Đổi mới, sáng tạo các hoạt động khuyến đọc cho học sinh tiểu học ở Bắc Sơn
– Nhằm phát triển văn hóa đọc trong các trường tiểu học, giúp học sinh nâng cao kiến thức, biết trân trọng và yêu quý sách, những năm học gần đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bắc Sơn đã chỉ đạo các trường học triển khai nhiều giải pháp và đổi mới, sáng tạo trong tổ chức hoạt động khuyến đọc.
Tiểu học là bậc học đầu tiên để học sinh chính thức làm quen với việc đọc sách, tiếp cận với kho tri thức của nhân loại. Thông qua đọc sách giúp các em nâng cao vốn từ, ngữ pháp để viết đúng chính tả, ngữ pháp, nói lưu loát. Đồng thời mang đến nhiều kiến thức, lịch sử, phong tục, văn hóa… từ đó hình thành các kỹ năng, xây dựng hành trang tốt để các em bước vào cuộc sống.
Cô và trò Trường Tiểu học Thị trấn Bắc Sơn tham gia các hoạt động đọc sách tại thư viện trường
Ông Dương Doãn Trung, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cho biết: Xác định ý nghĩa quan trọng của việc hình thành, rèn luyện thói quen đọc sách trong các trường tiểu học, những năm học gần đây, phòng đã chỉ đạo các trường tiểu học triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó có việc đổi mới công tác thư viện và đa dạng hóa các hoạt động, triển khai các cách làm hay, hiệu quả để kích thích, khơi gợi nhu cầu, đam mê đọc sách của học sinh.
Theo đó, từ năm học 2019 – 2020, Phòng GD&ĐT huyện đã lựa chọn 5 trường tiểu học để thực hiện mô hình “Thư viện thân thiện” do tổ chức Room to Read tài trợ. Theo đó, các trường đã được đầu tư sửa sang thư viện mới rộng rãi, khang trang, sách, truyện cũng được bố trí khoa học, dễ tìm, tạo môi trường thân thiện và không gian lý tưởng để các em đến đọc sách. Bên cạnh đó, các trường cũng tổ chức 1 tiết đọc thư viện/tuần. Các tiết học này được tổ chức tại thư viện nhà trường, do các giáo viên chủ nhiệm thực hiện với nhiều hoạt động như đọc to chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân.
Ông Hà Văn Thuân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Long Đống cho biết: Thực hiện mô hình “Thư viện thân thiện” nhà trường đã cải tạo phòng thư viện khang trang, rộng rãi; bố trí bàn ghế, giá sách, sắp xếp sách truyện theo từng nhóm màu sắc cho học sinh dễ tìm. Thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau như: góc trò chơi, góc tra cứu, góc sáng tạo để khuyến khích và phát huy tính sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, các lớp cũng thực hiện tiết đọc tại thư viện với nhiều hoạt động khác nhau, qua đó tăng cường Tiếng Việt cho học sinh
Cùng với các trường thực hiện mô hình “Thư viện thân thiện”, các trường học có bậc tiểu học khác trên địa bàn (gồm 22 trường) đã chú trọng triển khai các giải pháp khuyến đọc. Hiện nay, trên 90% số trường tiểu học đã có phòng thư viện riêng, được trang trí sinh động, bày trí sách khoa học để thu hút học sinh đến đọc sách. Song song đó, một số trường tiểu học khác trên địa bàn huyện đã quan tâm tổ chức các hoạt động, đa dạng hóa các giải pháp để khuyến đọc cho học sinh như: thực hiện chuyên mục “mỗi tuần một cuốn sách”, “mỗi tháng một cuốn sách” để giới thiệu sách mới, sách cho học sinh, tổ chức tuyên dương, khen ngợi học sinh đọc được nhiều sách trong tuần, phát phiếu khen với học sinh đọc nhiều sách trong năm học. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm khích lệ, lan tỏa nhu cầu đọc sách đến học sinh khác trong nhà trường.
Em Trịnh Gia Linh, lớp 4A1, Trường Tiểu học thị trấn Bắc Sơn cho biết: Thư viện nhà trường có không gian đọc thoải mái và nhiều cuốn sách, truyện bổ ích. Sau giờ học, chúng em thường đến thư viện để đọc sách, mỗi ngày em mượn 2 – 3 cuốn sách về đọc và thường giới thiệu cho các bạn những cuốn sách hay để cùng đọc.
Ngoài ra, các trường học tiểu học trên địa bàn huyện Bắc Sơn cũng tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày sách Việt Nam hằng năm (21/4), cử học sinh tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, tham gia giao lưu tiết đọc thư viện và đạt được những thành tích cao. Cụ thể năm học 2021 – 2022, huyện có 1 học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc; năm học 2022 – 20231, có 1 giáo viên đạt giải nhất giao lưu tiết đọc thư viện cấp tỉnh.
Ý kiến ()