Đổi mới phương pháp học môn Lịch sử: Kinh nghiệm của thủ khoa Lạng Sơn
(LSO) – Đạt 26,75/30 điểm (Văn 8,25, Sử 9,5, Địa 9), em Tàng Thị Hồng, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã xuất sắc trở thành một trong những thủ khoa khối C của tỉnh Lạng Sơn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019 – 2020. Đặc biệt, với số điểm Lịch sử là 9,5, kinh nghiệm của em sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh các cấp trong việc đổi mới phương pháp học tập bộ môn này – vốn được cho là môn học “rất khó” lâu nay.
Giữa lưng chừng đồi, thuộc khu Lâm Nghiệp thôn Khòn Cháo, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình là căn nhà của gia đình em Tàng Thị Hồng, một trong những thủ khoa khối C của Lạng Sơn tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019 – 2020. Ít ai ngờ, một thôn đặc biệt khó khăn, thuộc vùng III của một tỉnh biên giới lại là nơi sinh sống, học tập và lớn lên và của một thủ khoa với số điểm 29,5 (bao gồm cả điểm cộng).
Ngay khi bước vào nhà, điều chúng tôi dễ dàng nhìn thấy ở vị trí trang trọng nhất, trên chiếc tủ giữa phòng khách là rất nhiều giấy khen chứng minh cho thành tích học tập của Hồng, cũng là niềm tự hào của cả gia đình em: nhiều năm liền là học sinh giỏi, giải Nhì học sinh giỏi Văn cấp tỉnh lớp 11, giải Ba học sinh giỏi Văn cấp tỉnh lớp 12 …
Em Tàng Thị Hồng: Muốn học tốt lịch sử, phải bắt đầu từ thói quen
Kể về quãng thời gian là học sinh dân tộc nội trú, cô học sinh người Tày cho biết: “Hồi cấp 2, em cũng sợ môn Lịch sử lắm vì rất dài và khó nhớ. Nhưng khi vào học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh, em đã tìm cho mình phương pháp học tập mới. Từ đó, em không còn sợ nữa, mà dần dần thích thú, rồi say mê, học tập tiến bộ hơn nhiều.”
Chia sẻ những bí quyết và phương pháp để học tốt môn học được cho là “rất khó” đối với nhiều học sinh, Hồng cho rằng: “Muốn học tốt môn Lịch sử, theo em thì phải có hứng thú, muốn có hứng thú phải bắt đầu từ thói quen.”
Hồng cho biết: “Trước mỗi bài học, em thường đọc trước sách giáo khoa, gạch ra những ý chính, từ khóa của bài. Xem trước giúp em hiểu sơ lược nội dung, cô giáo giảng sẽ dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Khi ở trên lớp, việc ghi chép đầy đủ là một thói quen rất quan trọng. Nó vừa giúp mình so sánh với lúc mình đọc trước bài xem đã hiểu đúng chưa, còn thiếu ở đâu; vừa trở thành tài liệu học của mình mỗi khi cần xem lại. Cuối cùng, em sẽ nắm chắc, thuộc kiến thức ngay trong ngày thông qua việc học từ những ghi chép trên lớp kết hợp với đọc thêm sách nâng cao môn sử, hay tìm đọc một số tài liệu tham khảo trên mạng. Đôi khi em mang cả đề thi có liên quan đến nội dung vừa học để luyện nữa. Từ những hứng thú ban đầu, em bắt mình phải có thói quen như vậy, nhờ thế, em thấy môn học trở nên dễ dàng hơn, kết quả học tập tốt hơn rất nhiều”.
Không chỉ có phương pháp học tập tốt, Hồng còn có rất nhiều kinh nghiệm trong ôn thi và làm bài thi. Vào thời điểm nước rút trước khi bước vào kỳ thi đại học, em học mỗi ngày một môn (Văn, Sử, hoặc Địa) để nội dung được thông suốt trong cả ngày; đến gần ngày thi thì chỉ cần đọc lại sách giáo khoa là đủ vì kiến thức vốn đã được tích lũy cả quá trình rồi. Em chia sẻ thêm: “Vào đến phòng thi thì chỉ cần bình tĩnh, đọc hiểu thật đúng câu hỏi, gạch chân từ khóa nếu cần và sau đó phân tích đáp án rồi chọn câu trả lời”.
Với số điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2019 – 2020, Hồng đã trúng tuyển vào ngành Đông phương học – ngành có điểm chuẩn cao nhất (28,5 điểm) của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Những kinh nghiệm của em Tàng Thị Hồng chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh các cấp học trong việc đổi mới phương pháp học tập môn Lịch sử, để từ đó, các em thêm yêu lịch sử Việt Nam, như Bác Hồ đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.
Ý kiến ()