Ðổi mới phương pháp dạy môn sinh học
Môn học chưa được coi trọng
Thực tế hiện nay, mục tiêu dạy và học môn sinh học bị sai lệch bởi việc dạy môn này chủ yếu theo nhu cầu trước mắt của học sinh là để thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học. Trong khi đó, các trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh khối B (toán, hóa, sinh) lại không nhiều, hơn nữa, có khá nhiều ngành liên quan đến sinh học nhưng chưa thật sự cuốn hút người học nên dẫn tới thực tế là người học ham mê môn sinh học ngày càng giảm. Ngoài ra, do chương trình trung học phổ thông (THPT) ở nước ta chưa được phân luồng, số môn học trong nhà trường quá nhiều, do vậy người học có rất ít thời gian để tự nghiên cứu, tìm hiểu, vì vậy, phần lớn chỉ đơn thuần nhận thông tin một chiều từ giáo viên, tiếp thu một cách thụ động hoặc lĩnh hội kiến thức đã được giáo viên giảng dạy, nghiên cứu thay vì học sinh tự tìm tòi nghiên cứu để nâng cao kiến thức.
Theo cô giáo Phạm Thị Hồi, một người có nhiều năm giảng dạy môn sinh học tại Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái, việc dạy môn sinh học trong nhà trường hiện nay mới chỉ dừng lại ở dạy lý thuyết do điều kiện về thực hành thí nghiệm còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiết bị thí nghiệm của các nhà trường chưa được đầu tư đồng bộ, không được mua theo nhu cầu dạy và học, người học thì lại không có điều kiện tham quan thiên nhiên, sống xa rời với thiên nhiên… Đặc biệt, một bộ phận giáo viên môn sinh học ít say mê với nghề, số giáo viên thật sự giỏi còn rất ít so với số lượng giáo viên giỏi ở các môn khác. Qua tìm hiểu, không chỉ thiếu giáo viên giỏi dạy môn sinh học mà ngay cả kỹ năng cơ bản về thực hành của nhiều giáo viên dạy bộ môn này còn hạn chế, dẫn đến tâm lý chung của giáo viên là ngại dạy các giờ thực hành thí nghiệm. Trong khi đó, đây lại là giờ học được các em học sinh yêu thích, chờ đợi nhất khi học bộ môn này. Một điểm đáng chú ý là kiến thức môn học chưa phù hợp với sức học của các em học sinh tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, dẫn tới tình trạng học sinh chán học môn sinh do quá khó tiếp thu trong quá trình học. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh), Đỗ Văn Kính cho biết: Chương trình giảng dạy môn sinh học trong nhà trường trên thực tế là khá dài so với thời lượng ấn định cho bộ môn và tiết học. Nhiều bài kiến thức nâng cao chỉ phù hợp với những học sinh khá, giỏi mà chưa đáp ứng được số đông người học, khiến người học thấy chán nản, không có hứng thú với bộ môn. Theo kiến nghị của nhiều giáo viên, chương trình giảng dạy môn sinh học trong nhà trường cần giảm tải cho phù hợp với thực tại nhưng vẫn bảo đảm tính kế thừa, khoa học và hiện đại.
Nhiều phương pháp mới giảng dạy môn sinh học
Theo đánh giá của Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về thực trạng thiết bị dạy học môn sinh học hiện nay tại các nhà trường còn nghèo nàn về chủng loại, chỉ có vài tranh vẽ sơ sài, mô hình đơn giản; kiến thức cung cấp cho học sinh lạc hậu, chưa có thông tin về sinh học hiện đại; tính thực tiễn, ứng dụng chưa cao, chưa sát với thực tế… Chính vì vậy, việc xây dựng và sử dụng những công nghệ tiên tiến trong giảng dạy là điều rất cần thiết, được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Để việc giảng dạy môn sinh học đạt hiệu quả cao, theo ý kiến của Thạc sĩ Dương Thị Hoàn (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) thì cần xây dựng thư viện môn sinh học THPT. Để hình thành thư viện này, các giáo viên bộ môn tích cực sưu tầm các nguồn tài liệu tham khảo từ mạng in-tơ-nét, qua một số chương trình trên truyền hình…, thêm vào đó là sự đóng góp tài liệu do học sinh sưu tầm để làm phong phú hơn cho kho tư liệu. Từ những thứ sưu tầm được, giáo viên có thể in ra đĩa, in thành sách hướng dẫn để các em học sinh tham khảo nhằm bổ trợ cho chương trình học thêm sinh động, hấp dẫn với nhiều hình ảnh, tư liệu phong phú. Ngoài ra, cần đổi mới mạnh mẽ trong phương pháp dạy môn sinh học khi giáo viên cần biết kết hợp nhuần nhuyễn trong việc vận dụng thiết bị dạy học trong bộ môn này như sử dụng tranh vẽ, mô hình, tổ chức các thí nghiệm bằng vật thật… để cho môn học bớt “khô khan”, có nhiều hứng thú để học sinh dễ dàng tiếp nhận kiến thức. Nói về vấn đề này, cô giáo Vũ Thị Minh Huệ (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) cho rằng: Cần chú trọng thí nghiệm thực hành trong dạy học môn sinh, bởi trên thực tế, số tiết thực hành quy định trong chương trình và sách giáo khoa rất hạn chế khiến hiệu quả môn học thấp. Nếu như để học sinh tự tìm tòi, khám phá qua những thí nghiệm để đi đến những kiến thức cần lĩnh hội sẽ giúp các em học sinh có điều kiện, cơ hội tư duy sáng tạo với môn sinh học.
Bên cạnh đó, trong xu thế in-tơ-nét bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, giáo viên cũng cần tăng cường khả năng tự học môn sinh học của học sinh bằng các công cụ trực tuyến, bởi công nghệ sẽ giúp người học gắn kết hơn với bài học của mình, không lãng phí thời gian vào những việc vô nghĩa. Giáo viên cũng có thể thông qua công cụ trực tuyến để truyền tải bài học tới học sinh như tham gia xây dựng những bài học trực tuyến; xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục, học liệu và thư viện điện tử, sáng tạo những phần mềm để học sinh thích thú hơn với bộ môn sinh học trong nhà trường.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()