Đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực của học sinh
Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, các địa phương còn chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, giao quyền tự chủ cho giáo viên trong việc lựa chọn hình thức tổ chức dạy học để các tiết học trở nên sinh động, phát huy tính tích cực của học sinh.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hải Phòng, Vũ Văn Trà, để thực hiện chương trình GDPT mới, ngành giáo dục Hải Phòng đã tích cực chuẩn bị các điều kiện như rà soát bổ sung cơ sở vật chất cấp tiểu học, tuyển bổ sung và tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy lớp 1. Việc lựa chọn giáo viên căn cứ vào cơ cấu, độ tuổi và số năm thực dạy lớp 1, ưu tiên những giáo viên có độ tuổi dưới 50, có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1 từ ba năm trở lên. Ngoài các đợt tập huấn của bộ, sở và huyện, các trường chú trọng bồi dưỡng tại tổ nhóm, tổ chức chuyên đề để giáo viên cùng thảo luận và rút kinh nghiệm phương pháp dạy học. Trong khi đó, tỉnh Nam Định ngay từ năm học 2019 – 2020 đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, phòng chức năng tại một số trường tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới. Hệ thống bàn ghế, bảng đen, đèn chiếu sáng, quạt mát, diện tích phòng học được bố trí đáp ứng yêu cầu quy định. Phần lớn các trường có bộ thiết bị tối thiểu bảo đảm việc tổ chức các hoạt động giáo dục theo chương trình GDPT mới. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT Nam Định chỉ đạo các nhà trường tập trung sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, tập thể giáo viên nhà trường cùng nhau hỗ trợ giáo viên dạy lớp 1 để giải đáp thắc mắc, kịp thời xử lý những tình huống khi giáo viên gặp khó khăn.
Chúng tôi có mặt tại giờ học giáo dục thể chất ở Trường tiểu học Trần Nhân Tông (Nam Định), không khí sôi nổi, học sinh không chỉ hoạt động vận động mà còn được học thêm kiến thức của các môn khác. Cô giáo Trần Thị Phương Nhung, giáo viên bộ môn giáo dục thể chất chia sẻ: Do chương trình GDPT mới là chương trình mở, cho nên giáo viên đã chủ động thay đổi phương pháp, tích hợp các môn học như Âm nhạc, tiếng Việt, Tự nhiên Xã hội để học sinh vừa được rèn luyện thể chất, vừa được lĩnh hội kiến thức. Thí dụ, giáo viên đã chủ động tìm kiếm những hình ảnh có những vần mà học sinh đã được học ở môn tiếng Việt để học sinh đọc, việc làm này giúp các con ghi nhớ được kiến thức lâu hơn. Cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3 cho biết: Do được chủ động tổ chức các hoạt động khơi gợi sự sáng tạo của học sinh. Với bộ môn tiếng Việt, giáo viên có thể phối hợp cùng các bộ sách khác để chắt lọc những từ ngữ hay và phù hợp để giảng dạy, miễn sao học sinh được phát triển năng lực tốt nhất và phù hợp với học sinh.
Triển khai chương trình GDPT mới đã phát huy khả năng sáng tạo, giáo viên đã mạnh dạn đưa những ý tưởng mới để giảng dạy cho học sinh. Cô giáo Vũ Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng) chia sẻ: Ở môn Toán, học sinh được học nhiều hình trong một bài, để học sinh nhận biết được hình dạng một cách nhanh nhất, giáo viên đã tổ chức trò chơi tiếp sức, nhóm nào chọn đúng, nhanh và nhiều hình nhất thì nhóm đó sẽ chiến thắng. Qua trò chơi này, học sinh được củng cố, nhận biết lại những hình đã học, đồng thời rèn cho học sinh phản xạ nhanh trong quan sát các nhóm hình cũng như có khả năng tương tác, chia sẻ, giúp đỡ để cùng bạn hoàn thành nhiệm vụ cô giáo yêu cầu. Quá trình dạy học, điều dễ nhận thấy không khí lớp học rất đổi khác, học sinh năng động, tự tin, tiết học trở nên sôi nổi và hứng thú, học sinh được chủ động thể hiện khả năng của mình. Theo cô giáo Phạm Thị Thu Hà, giáo viên Trường tiểu học Ngọc Sơn, điểm thuận lợi của chương trình GDPT mới là trong quá trình giảng dạy, giáo viên được triển khai mềm dẻo, linh hoạt. Đối với những bài khó, giáo viên có thể chuyển sang tiết bổ trợ vào buổi chiều. Trong hoạt động giảng dạy, giáo viên được sử dụng linh hoạt các phương pháp. Thí dụ, trong các tiết học đều có hoạt động ôn và khởi động, đây là điểm rất mới, sẽ tạo tâm thế cho học sinh khi vào lớp, hứng thú và tập trung vào bài giảng.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Hữu Độ, để triển khai chương trình GDPT mới hiệu quả, các cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, môn học phù hợp điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung chương trình. Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; vận dụng những thành tố tích cực của mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Các trường tích cực tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn trong trường và cụm trường. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống… đáp ứng nhu cầu đổi mới GDPT.
Ý kiến ()