Ðổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ
Giờ học ngoại ngữ của sinh viên Trường đại học Ðông Á (TP Ðà Nẵng).
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), kết thúc năm học 2018-2019, ngành giáo dục đã hoàn thiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh; ban hành chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm (từ lớp 3 đến lớp 12) và các chương trình môn tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Ðức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðến nay, cả nước có 43 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Công tác bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh các cấp học phổ thông được chú trọng với tổng số 7.030 giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng về năng lực ngôn ngữ tiếng Anh và năng lực sư phạm. Bộ GD và ÐT đã hoàn thành xây dựng khung năng lực giáo viên ngoại ngữ; bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ và năng lực sư phạm… Vì vậy, công tác khảo thí năng lực ngoại ngữ được rà soát, kiểm soát chặt chẽ hơn. Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo (nhất là đối với tiếng Anh), góp phần hỗ trợ sinh viên học và sử dụng ngoại ngữ bảo đảm yêu cầu, chất lượng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng thực tế vẫn bộc lộ một số giải pháp dạy và học ngoại ngữ ở nước ta chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện đặc thù của các vùng miền, địa phương. Ðội ngũ giáo viên đạt chuẩn trong dạy học ngoại ngữ ở một số tỉnh như: Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam, Tuyên Quang, Yên Bái… còn thấp. Trong khi đó, công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ vẫn còn những sai phạm dẫn đến chất lượng kém. Theo Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT) Sái Công Hồng, phân tích kết quả thi THPT quốc gia từ năm 2017 đến 2019 cho thấy, điểm trung bình môn ngoại ngữ của học sinh cả nước trong ba năm đều dưới 5 điểm; mức điểm đạt nhiều nhất chỉ 3 đến 3,4 điểm. Vì vậy, cần có những điều chỉnh trong dạy, học ngoại ngữ cũng như bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho phù hợp.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, dạy học ngoại ngữ hiện nay vẫn tồn tại hai hệ chương trình khác nhau giữa các địa phương ở bậc phổ thông là hệ bảy năm (từ lớp 6 đến lớp 12) và hệ 10 năm (chủ yếu được triển khai ở những tỉnh, thành phố có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển). Kết quả đánh giá hệ 10 năm có chất lượng tốt hơn hệ bảy năm. Ðể triển khai được rộng khắp hệ 10 năm, cần đội ngũ giáo viên có chất lượng. Tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo viên hiện nay không đồng đều. Vì vậy, cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao trình độ giáo viên dạy ngoại ngữ.
Chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đại diện Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2012, khi khảo sát chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế trên địa bàn chỉ có khoảng 5% đạt yêu cầu. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã dùng ngân sách nhà nước để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giáo viên theo chuẩn quốc tế, đến nay có 70% số giáo viên đạt yêu cầu. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Anh văn Hội Việt Mỹ (TP Hồ Chí Minh) Lê Quang Thục Quỳnh cho rằng, cần tăng cường cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên và cập nhật kỹ năng, phương pháp, giáo trình giảng dạy thường xuyên theo chuẩn quốc tế trong dạy học ngoại ngữ. Phát huy sự hợp tác giữa các trung tâm Anh ngữ và hệ thống trường công nhằm tăng cường vai trò của xã hội hóa giáo dục.
Theo Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ, ngoại ngữ và công nghệ thông tin nếu làm tốt sẽ thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát triển. Thời gian qua, dù ngành giáo dục đã có nỗ lực để cải thiện chất lượng dạy, học ngoại ngữ nhưng kết quả vẫn chưa như mong muốn. Chất lượng dạy, học ngoại ngữ phụ thuộc đội ngũ giáo viên nhưng lâu nay, việc chuẩn hóa giáo viên vẫn nặng về bằng cấp mà nhẹ về thực hành. Vì vậy, ngành giáo dục cần từng bước hoàn thiện quy trình chuẩn hóa; tăng cường giao lưu giữa giáo viên dạy ngoại ngữ trong nước với giáo viên người nước ngoài, cải thiện kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Xây dựng nguồn học liệu mở, học liệu số hóa để mọi người có thể linh hoạt học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi. Ngành giáo dục thúc đẩy phát triển hệ thống khảo thí chuẩn, có thể kiểm tra trình độ ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh chính xác, đồng đều, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như hiện nay.
Trong năm học mới 2019-2020, Bộ GD và ÐT sẽ ưu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa các môn ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp giáo viên ngoại ngữ. Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên bổ sung các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðầu tư có trọng điểm hệ thống hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ trực tuyến và trên máy tính đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng.
Ý kiến ()