Ðổi mới ở các trung tâm dạy và học nghề
Lớp học nghề công nghệ ô-tô tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).
Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX Hà Ðông (Hà Nội), Khuất Thị Hoa Oanh cho biết, từ khi sáp nhập năm 2017 đến nay, trung tâm đã chủ động và tích cực khảo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân trên địa bàn và nhu cầu học nghề của người lao động để thực hiện công tác tuyển sinh các lớp nghề phù hợp. Song song với đào tạo văn hóa, trung tâm liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức theo các lĩnh vực, ngành nghề. Năm 2018, trung tâm đã đào tạo và cấp chứng chỉ nghề thợ xây cho 900 công nhân khu vực Sơn Tây, Ba Vì. Bên cạnh đó, trung tâm còn liên kết mở các lớp ngắn hạn tổ chức học và thi cấp bằng xe máy, học nấu ăn… Ðặc biệt, mỗi một quý, trung tâm đào tạo miễn phí cho gần 100 học viên của Hội Phụ nữ và Ðoàn Thanh niên của 17 phường về pha chế đồ uống và cắm hoa.
Tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, sau khi sáp nhập, công tác dạy học văn hóa và đào tạo nghề của Trung tâm GDNN – GDTX huyện Yên Lạc đã có nhiều khởi sắc cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Ðại diện trung tâm cho biết: Tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp trong nhiều năm liền đạt từ 80 đến 90%; nhiều học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, dẫn đầu các trường thuộc khối GDTX trong toàn tỉnh. Sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất (CSVC) từng bước được xây mới và nâng cấp, bổ sung, đầu tư thiết bị dạy học hiện đại với 12 phòng học và bốn phòng thực hành, xây mới và đưa vào sử dụng nhà đa năng với nhiều phòng bộ môn, phòng thiết bị và hội trường lớn. Từ chỗ học sinh học nghề phải đi tới các cơ sở ngoài nhà trường để thực hành, đến nay tất cả các ngành nghề học sinh chọn học đều được thực hành ngay tại trung tâm với đầy đủ trang thiết bị. Ðể nâng cao chất lượng dạy nghề cho học sinh, trung tâm đã lựa chọn các đơn vị liên kết uy tín để ký kết đào tạo. Ðiển hình là Công ty may Minh Hà đặt cơ sở may ngay trong trung tâm, bảo đảm 100% học sinh sau khi tốt nghiệp đều có việc làm phù hợp với ngành nghề được học với mức lương từ 3,5 đến 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Trung tâm GDNN – GDTX Mộc Châu, Sơn La đã phối hợp các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức mở các lớp giảng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, tài chính kế toán, quản lý đất đai, du lịch, sửa chữa ô-tô, điện dân dụng… nhằm tạo điều kiện cho người học có cơ hội tìm việc làm hoặc rút ngắn thời gian tiếp tục học lên cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp THPT, góp phần phân luồng học sinh sau THCS hiệu quả.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), cả nước hiện có 621 trung tâm GDNN – GDTX với hơn 157 nghìn học viên học chương trình GDTX cấp THCS, THPT (trong đó có hơn 86 nghìn học viên học văn hóa kết hợp với học nghề), hơn 300 nghìn số học viên học nghề ngắn hạn. Các trung tâm bước đầu thực hiện đa dạng hóa các chương trình GD và ÐT đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Theo Vụ trưởng GDTX, Bộ GD và ÐT Nguyễn Công Hinh, các trung tâm GDNN – GDTX hiện nay đã bám sát được tình hình phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện nhiệm vụ giáo dục, phân luồng, dạy nghề… Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, các trung tâm bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản mà không có hướng dẫn cụ thể cho nên khó xây dựng quy chế tổ chức hoạt động. Nội dung và việc thực hiện quy chế của các trung tâm không có sự thống nhất trong toàn quốc, đặc biệt là việc liên quan chế độ, chính sách của giáo viên và cán bộ quản lý… Vì vậy, cần đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của các trung tâm GDNN – GDTX như: Quy định tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại và kiểm định hằng năm của trung tâm GDNN – GDTX; quy định chuẩn giám đốc trung tâm GDNN – GDTX; quy định về xếp hạng trung tâm GDNN – GDTX.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD và ÐT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần xem xét ban hành điều lệ hoạt động cho trung tâm GDNN – GDTX nhằm tạo được tính thống nhất trong quản lý điều hành; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ, liên kết đào tạo và các lĩnh vực khác… cho các trung tâm. Ngoài ra, các địa phương tăng cường và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để cán bộ quản lý, giáo viên của trung tâm được tiếp cận, cập nhật mô hình mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc.
Ý kiến ()