Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc là yêu cầu cần thiết
Ngày 10/4 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ MTTQ thành phố Đà Nẵng gồm 65 đại biểu nhằm trao đổi và thảo luận về chuyên đề "Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”.
Ngày 10/4 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã có buổi làm việc với đoàn cán bộ MTTQ thành phố Đà Nẵng gồm 65 đại biểu nhằm trao đổi và thảo luận về chuyên đề “Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị –xã hội”.
Đồng chí Vũ Trọng Kim phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: TH |
Trao đổi và thảo luận tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ là yêu cầu cần thiết, khách quan và có tính lịch sử, cụ thể. Hoạt động của Mặt trận phải gắn bó mật thiết với nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn cách mạng; gắn với quá trình đổi mới hệ thống chính trị của công cuộc đổi mới đất nước. Yêu cầu số một trong giai đoạn mới là phải mở rộng và tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, mà cốt lõi và trước hết phải phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội. Nội dung vận động phải hợp lòng dân, ý Đảng, đồng lòng và chung sức mới có thể giải quyết những nhiệm vụ đặt ra.
Đồng chí Vũ Trọng Kim khẳng định, hoạt động của Mặt trận phải mang lại lợi ích thiết thực trên hết cho quốc gia dân tộc, đồng thời hài hòa lợi ích cộng đồng, cá nhân và xã hội. Đổi mới phải phù hợp với từng đối tượng vận động, thích hợp với từng giai đoạn phát triển, không đốt cháy giai đoạn. Nội dung gì phải có phương thức ấy, không áp đặt máy móc, giáo điều, tránh bệnh hình thức phô trương, kém hiệu quả. Trong quá trình thực hiện có thể sử dụng kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương thức, thực hiện “dân vận khéo”. Bởi vậy cần xây dựng đội ngũ có tâm huyết và năng lực, chú trọng cả đội ngũ cán bộ chuyên trách lẫn lực lượng cộng tác viên và tình nguyện viên…
Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới gồm 8 nhóm nội dung: Chính trị và tư tưởng; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; Xây dựng Đảng, nhà nước, xây dựng chính quyền nhân dân các cấp; tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…Trong đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là nội dung cốt lõi thể hiện bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cũng là nội dung quan trọng, có ý nghĩa chính trị và xã hội sâu sắc…
Cùng với đó là 9 phương thức hoạt động cơ bản: phương thức quan hệ với Đảng; phương thức quan hệ với Nhà nước; phương thức quan hệ với các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu; phương thức quan hệ công chúng; phương thức phát huy tính tự quản của cộng đồng, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động… Trong đó phương thức hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động được thực hiện trên tinh thần tự nguyện tham gia của Mặt trận, các thành viên là tổ chức hay cá nhân tiêu biểu đều có quyền phát huy dân chủ, tôn trọng nhau, chia sẻ ý kiến, thương lượng cùng đi tới ý kiến thống nhất, hành động thống nhất.
Quang cảnh buổi làm việc – Ảnh: TH |
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu ra những vướng mắc, khó khăn như nhận thức trong hệ thống chính trị và ngay cả Mặt trận cũng chưa hiểu hết về vai trò, chức năng, vị trí của MTTQ Việt Nam; mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện cho Mặt trận hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình còn hạn chế; công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, các đại biểu cũng nêu lên những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai chuẩn bị cho đại hội MTTQ các cấp và trao đổi một số biện pháp tháo gỡ…
Dangcongsan
Ý kiến ()