Ðổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Tám mươi năm qua, kể từ ngày Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (MTDTTNVN) với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào những thành quả của cách mạng Việt Nam.Trong quá trình phát triển, Mặt trận luôn luôn coi trọng công tác xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ ở từng giai đoạn cách mạng, làm cho hoạt động của Mặt trận ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng với niềm tin của Đảng và mong muốn của các tầng lớp nhân dân.Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Nhiệm vụ cách mạng lúc này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tạo...
Tám mươi năm qua, kể từ ngày Hội phản đế đồng minh – hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (MTDTTNVN) với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào những thành quả của cách mạng Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, Mặt trận luôn luôn coi trọng công tác xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ ở từng giai đoạn cách mạng, làm cho hoạt động của Mặt trận ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng với niềm tin của Đảng và mong muốn của các tầng lớp nhân dân.
Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Nhiệm vụ cách mạng lúc này đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó, đòi hỏi Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cũng như mọi tổ chức thành viên của MTTQ cần tiếp tục đổi mới nhận thức, đổi mới tổ chức nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.
MTTQ Việt Nam các cấp đã tăng cường củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát triển thêm nhiều tổ chức thành viên mới. Hoạt động của Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên ngày càng hướng mạnh về địa bàn dân cư, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội rộng lớn do Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai ngày càng đi vào cuộc sống và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, các cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, đền ơn đáp nghĩa, cứu giúp những người gặp khó khăn do hoạn nạn, thiên tai, các hoạt động tự quản ở cộng đồng dân cư để giữ gìn an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường… có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 'Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư' vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất hằng năm (18-11) được Ủy ban Mặt trận các cấp phối hợp với cấp ủy đảng và chính quyền tổ chức đã đi vào nền nếp, nhiều nơi đã trở thành ngày sinh hoạt truyền thống của toàn dân.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư tiếp tục được bổ sung, đổi mới về nội dung và phương thức triển khai thực hiện cho phù hợp từng loại hình khu dân cư. Trong quá trình triển khai, đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể và cá nhân điển hình thể hiện sức vươn lên mạnh mẽ của nhiều cộng đồng dân cư trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân đạo, từ thiện, y tế, giáo dục, phòng chống tội phạm, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi hòa nhập với cộng đồng.
Cuộc vận động Ngày vì người nghèo được triển khai ngày càng sâu rộng đã góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Chương trình 'Nối vòng tay lớn' được tổ chức vào ngày 31-12 hằng năm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và trở thành một hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đẩy mạnh các phong trào 'Đền ơn, đáp nghĩa' thực hiện chính sách hậu phương quân đội; triển khai nhiều hình thức và việc làm chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức tốt việc động viên thanh niên nhập ngũ và giải quyết việc làm cho thanh niên xuất ngũ về địa phương. MTTQ phối hợp với chính quyền trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống. Các cuộc vận động cứu trợ đồng bào bị hoạn nạn do thiên tai gây ra được nhân dân ở mọi miền đất nước và kiều bào nhiệt tình hưởng ứng.
MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai nhiều cuộc vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của đại hội đảng các cấp, các Nghị quyết của T.Ư Đảng về đại đoàn kết dân tộc; đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhận xét tư cách, phẩm chất đảng viên trong thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
Hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận được mở rộng, đoàn kết quốc tế được tăng cường. Thực hiện phương châm 'chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả', trong những năm qua, hoạt động đối ngoại nhân dân của MTTQ và các tổ chức thành viên được mở rộng về đối tác, địa bàn. MTTQ đã triển khai có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đoàn kết quốc tế, hợp tác cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; tham gia vận động các nguồn lực từ các nước bạn bè trên thế giới hợp tác, hỗ trợ cho công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là góp sức vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin.
Cùng với việc đổi mới nội dung, tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ cũng không ngừng được đổi mới. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ được thực hiện ngày càng tốt hơn tạo nên không khí chân thành, cởi mở giữa các thành viên. Hoạt động của các tổ chức tư vấn, lực lượng cộng tác viên của MTTQ các cấp được mở rộng, thu hút đông đảo các chuyên gia có tâm huyết, năng lực và trí tuệ tham gia. Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên tiếp tục được cải tiến và tạo điều kiện giúp nhau cùng phát triển. Sự phối hợp công tác giữa MTTQ với các cơ quan nhà nước ngày càng đi vào thực chất và tạo điều kiện cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức mình.
Tuy nhiên, MTTQ chưa đi sâu nghiên cứu từng đối tượng cụ thể để có chủ trương, giải pháp vận động phù hợp. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng còn thiếu cơ chế điều hành thống nhất và sự phối hợp chặt chẽ, cho nên có hiện tượng trùng lắp, chồng chéo dẫn đến tổng kết, thống kê thiếu chính xác, nhất là những cuộc vận động mang tính từ thiện, nhân đạo. Những cuộc vận động phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chống thoái hóa, biến chất, xuống cấp về đạo đức, lối sống thực dụng; thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng; tệ nạn ma túy, phạm tội trong lứa tuổi vị thành niên… đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, MTTQ các cấp cần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt của Ủy ban Mặt trận các cấp, thực hiện có hiệu quả nguyên tắc hiệp thương dân chủ trong việc đề ra chương trình phối hợp và thống nhất hành động. Thời gian tới, cần chú trọng đưa vào nội dung chương trình phối hợp những vấn đề dân sinh, dân chủ, dân trí với yêu cầu cải thiện dân sinh, phát huy dân chủ, nâng cao dân trí.
Hướng mạnh các hoạt động của MTTQ về cơ sở, tập trung cho cơ sở; đổi mới phương thức quan hệ giữa các tổ chức thành viên trong MTTQ; phát huy vai trò chủ động sáng tạo của các tổ chức thành viên; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Chủ tịch nước, với Thủ tướng Chính phủ; giữa Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên; với các bộ, các ngành.
Theo Nhandan
Ý kiến ()