Đổi mới nhận thức và phương pháp công tác hoạt động của hội nông dân
LSO-Nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội Nông dân là tập hợp rộng rãi nông dân vào tổ chức Hội; vận động nông dân sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước.
LSO-Nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội Nông dân là tập hợp rộng rãi nông dân vào tổ chức Hội; vận động nông dân sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, tham gia giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước. Chặng đường lịch sử 83 năm qua tổ chức Hội Nông dân Việt Nam nói chung, Hội Nông dân Lạng Sơn nói riêng đã làm được việc đó. Tuy vậy, vị thế của Hội vẫn chưa mạnh và trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay nông dân cần được giúp đỡ một cách thiết thực. Hội viên mong tổ chức Hội bảo vệ cho họ, tạo điều kiện để hội viên phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, Hội không chỉ vận động chung chung mà phải có nguồn lực nhất định để hỗ trợ nông dân, được như vậy tổ chức Hội mới có thể vững mạnh.
Nông dân xã Y Tịch, huyện Chi Lăng gắn bó với cây na và giữ gìn thương hiệu na Chi Lăng – Ảnh: THANH HUYỀN |
Để làm tốt nhiệm vụ quan trọng trên, các cấp hội phải đổi mới nhận thức và phương pháp công tác hoạt động của hội theo hướng: Thông qua quy chế dân chủ để thực hiện vận động giáo dục, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện đúng và đủ quyền cũng như nghĩa vụ công dân, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Phải làm cho mọi hội viên hiểu rõ giai cấp nông dân trước đây, hiện nay và sau này mãi mãi đi theo Đảng. Xây dựng mối đoàn kết để không ngừng nâng cao cuộc sống cho cộng đồng các dân tộc, từng gia đình và mỗi con người. Từng làng bản phải phấn đấu xây dựng an toàn, trong sạch, làm chủ, vững mạnh. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên. Phải tăng cường xây dựng nguồn lực tạo vị thế mới cho Hội Nông dân. Với gần 60 vạn nông dân, chiếm 78% dân số toàn tỉnh, trong đó có trên 10,5 vạn hội viên nông dân, vì vậy chúng ta phải biến lợi thế này thành nguồn lực của Hội Nông dân. Đồng thời tích cực triển khai hai đề án thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ Tướng Chính phủ do Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt trong năm 2012, các cấp Hội cần đẩy mạnh sự liên kết giữa Hội Nông dân với các đơn vị quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân mua trả chậm phân bón, máy nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật… trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Song song với việc vận động, giáo dục chính trị tư tưởng và hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề cho nông dân, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì hiện nay sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của nông dân không bó hẹp trong làng bản nữa mà theo xu thế hội nhập quốc tế. Phải đào tạo nghề cho nông dân có nghề bằng lý thuyết gắn với thực hành kỹ năng lao động. Hiện nay, được sự quan tâm của Hội Nông dân Việt Nam, sự tạo điều kiện giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành liên quan, Hội Nông dân tỉnh đang tích cực xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh Lạng Sơn theo quy định pháp luật hiện hành. Theo kế hoạch, khi trung tâm này được xây dựng xong, đi vào hoạt động, hàng năm sẽ đào tạo, tập huấn nghề cho hàng trăm tới hàng ngàn lao động có nhu cầu học nghề hoặc chuyển nghề.
Cùng với dạy nghề cho nông dân, Hội phải giáo dục nông dân chống, khắc phục cho được tư tưởng bảo thủ, trông chờ; phải nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức, khoa học kỹ thật, sự hiểu biết pháp luật cho nông dân. Đẩy mạnh thực hiện xây dựng gia đình văn hóa; làng, bản văn hóa mà nòng cốt là nông dân có tay nghề thành thạo và tri thức mới. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, trong đó cần tăng cường phát triển hội viên, xây dựng và phát huy vai trò các câu lạc bộ của tổ chức Hội. Coi trọng đào tạo, tập huấn cán bộ Hội ở cấp cơ sở và chi Hội để đáp ứng yêu cầu.
HOÀNG VĂN QUANG
Ý kiến ()