Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở”, các cấp ủy xã, phường, thị trấn ở Hà Tĩnh đã nhận thức và thực hiện đầy đủ hơn chức năng hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở; rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc và xác định mối quan hệ công tác giữa tổ chức đảng với chính quyền, các đoàn thể nhân dân. Đồng thời khắc phục một bước tình trạng chồng chéo, trách nhiệm không rõ ràng và những biểu hiện buông lỏng vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở, từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần củng cố tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên; chống quan liêu, xa dân; nâng cao nhận thức chính trị, đạo đức lối sống, ý thức trách nhiệm của đảng viên. Cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của các loại hình cơ sở đảng để thật sự phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị đối với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, tích cực tạo nguồn kết nạp đảng viên. Chú trọng phát huy dân chủ trong Đảng và dân chủ xã hội. Các chủ trương, đường lối liên quan quyền lợi của đông đảo nhân dân đều phải được đưa ra thảo luận bàn bạc với dân trước khi thực hiện.
Thứ hai, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền. Để khắc phục tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vi phạm quyền dân chủ của dân, cần chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn, tinh giản bộ máy chính quyền. Công khai hóa các thủ tục hành chính, thực hiện đúng quy chế công chức phục vụ nhân dân. Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ cơ sở gắn với tăng cường giữ gìn kỷ cương pháp luật, xây dựng quy ước để nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng hạ tầng, vận động quyên góp các loại quỹ… Lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, duy trì lịch đối thoại với dân, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh trong cuộc sống.
Thứ ba, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội; tổ chức đảng phải quan tâm chỉ đạo công tác vận động quần chúng ở địa bàn dân cư. Mặt trận cần thu hút và mở rộng các thành viên là những tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các cá nhân tiêu biểu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ chính quyền. Khắc phục tình trạng hành chính hóa trong hoạt động của mặt trận và các đoàn thể, tránh biểu hiện quan liêu, xa dân. Mặt trận phải thể hiện vai trò là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân về chính trị, văn hóa, xã hội ở cơ sở. Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp huyện phải hướng về cơ sở, đề cao trách nhiệm và đổi mới sự chỉ đạo, tăng cường làm việc trực tiếp với cơ sở.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và có cơ cấu hợp lý. Chủ động tạo nguồn đội ngũ cán bộ ở cơ sở và các thôn, xóm thông qua quy hoạch dự nguồn các chức danh chủ chốt, đồng thời chú trọng nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng như đào tạo tập trung, tại chức… cho các đối tượng này.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()