Ðổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu HÐND
Trong hai ngày 11 và 12-4, tại TP Thái Nguyên, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH phối hợp với Thường trực HÐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân". Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành trong cả nước.
Trong hai ngày 11 và 12-4, tại TP Thái Nguyên, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ QH phối hợp với Thường trực HÐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân của đại biểu Hội đồng nhân dân”. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo 21 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Các quy định của pháp luật liên quan đến công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; thực trạng mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri giữa hai kỳ họp; kinh nghiệm về việc tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri là đồng bào dân tộc ít người; việc thực hiện lấy ý kiến cử tri phục vụ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; các bước giải quyết những kiến nghị và đơn thư khiếu nại tố cáo của cử tri, công dân…
Các ý kiến của đại biểu đều cho rằng: Ðại biểu HÐND là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của HÐND. Tiếp xúc cử tri, tiếp công dân là những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu dân cử nói chung và đại biểu HÐND nói riêng. Trong đó tiếp xúc cử tri là cầu nối giữa đại diện cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với cử tri nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề còn tồn tại trong việc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân như: Thành phần tham dự các buổi tiếp xúc cử tri chưa đông; nội dung chưa phong phú nên chưa thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân; nhiều nơi vẫn còn tình trạng cử tri tham dự là “cử tri chuyên nghiệp”; hình thức tiếp xúc cử tri vẫn mang tính hội nghị, chưa gần gũi; nhiều cử tri ngần ngại khi thể hiện ý kiến của mình…
Lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống người lao động
Sáng 12-4, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu, lương đủ sống cho người lao động.
Các báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng LÐLÐ Việt Nam), tổ chức Oxfam đều cho thấy, có khoảng cách khá xa giữa lương tối thiểu và mức sống ở Việt Nam, mức lương tối thiểu còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu sống của người lao động. Theo tính toán, mức lương tối thiểu vùng đã điều chỉnh từ ngày 1-1-2013 mới chỉ đáp ứng 62 – 69% nhu cầu của người lao động. Năm 2013, do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, mức lương tối thiểu vùng (áp dụng cho doanh nghiệp) từ ngày 1-1-2013 chỉ tăng 16 – 18% (thấp hơn mức dự kiến đã trình T.Ư là tăng 35 – 37%). Khu vực hưởng lương từ ngân sách, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 1,15 triệu đồng từ ngày 1-7-2013 (thay vì điều chỉnh lên 1,3 triệu đồng đã trình T.Ư).
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận thực trạng về lương tối thiểu, mối quan hệ giữa mức sống tối thiểu, lương tối thiểu, lương đủ sống và những khó khăn trong việc cải cách tiền lương tại Việt Nam…
Trợ giúp hộ nghèo, gia đình bị thiên tai ở tỉnh Thanh Hóa
Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, quý I năm 2013, MTTQ các cấp trong tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao 67 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ bị cuốn trôi nhà do thiên tai, bão lũ năm 2012; tiếp tục phân bổ 200 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cũng đã thăm hỏi, trao 95 triệu đồng trợ giúp các gia đình ở huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia có người thân tử vong do tai nạn trên biển; trao tặng 3.000 áo ấm cho các hộ nghèo ở sáu huyện miền núi trong tỉnh.
Tập huấn về phòng, chống rửa tiền
Ngày 12-4, tại Hà Nội, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) tổ chức lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống rửa tiền cho 60 học viên là tổng biên tập, phó tổng biên tập phụ trách nội dung của các cơ quan báo chí tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Tại lớp tập huấn, các học viên được trao đổi, thảo luận, phản biện về kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền; tình hình thực tiễn ở Việt Nam và định hướng tuyên truyền; kinh nghiệm xử lý tình huống, đăng tải thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Theo Nhandan
Ý kiến ()