Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất: Phát huy vai trò “bà đỡ” của hợp tác xã
LSO- Những năm trở lại đây, số lượng các hợp tác xã (HTX) thành lập mới trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng. Trong đó, nhiều HTX trở thành trụ cột quan trọng trong việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trực tiếp giúp các xã hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, HTX nông nghiệp Trấn Ninh, huyện Văn Quan đã không ngừng nỗ lực vượt khó để phát huy tốt vai trò “bà đỡ” cho các hộ thành viên cũng như nhiều hộ nông dân khác.
Ông Hoàng Lê Hoan, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX không làm thay các hộ thành viên mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Cụ thể, HTX đứng lên tổ chức mua vật tư với số lượng lớn rồi hỗ trợ trước cho bà con, như vậy vừa giảm được chi phí, người dân lại không lo đầu tư đầu vụ. Đến khi thu hoạch, HTX đứng ra kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản của bà con.
Ví dụ như vụ lúa xuân vừa rồi, HTX gieo cấy 7,8 ha lúa Nhật cho năng suất 6,5 tấn/ha (lúa thường như mọi năm khoảng 4,7-5 tấn/ha), giá gạo Nhật được HTX kết nối tiêu thụ là 30.000 đồng/kg. Thấy hiệu quả, vụ mùa này, HTX tiếp tục mở rộng diện tích lên 27 ha lúa Nhật. Hoạt động thực chất, hỗ trợ trúng những thứ thành viên cần nên số thành viên xin vào HTX tăng nhanh chóng. Từ 36 thành viên ban đầu, đến nay tiếp nhận thêm 95 hộ xin vào HTX.
Tương tự HTX Nông nghiệp Trấn Ninh, trong những năm qua, HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn cũng làm tốt vai trò hỗ trợ thành viên, từ đó tạo động lực quan trọng để HTX vươn lên trở thành HTX thủy sản hàng đầu của tỉnh.
Chăm sóc chanh leo tại HTX Dũng Tiến, huyện Tràng Định
Ông Dương Hữu Chức, Giám đốc HTX cho biết: Khi mới thành lập, HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi với quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, không ổn định. Trước thực tế đó, Ban Quản trị HTX đã đi tìm hiểu thực tế một số mô hình sản xuất, sau đó tổ chức họp thành viên, thống nhất đổi mới phương thức sản xuất cũng như huy động nội lực của thành viên để tăng thêm vốn. Có vốn, HTX mở rộng nuôi trồng thủy sản, vừa duy trì ao nuôi, đồng thời nuôi thêm mô hình cá lồng. Để nâng cao hiệu quả sản xuất cho các thành viên, HTX đã ký hợp đồng liên kết với HTX cá cần Dương Hảo, tỉnh Bắc Giang chuyên cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cá thịt; ký hợp đồng liên kết với Công ty Minh Hiếu, tỉnh Hưng Yên ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cá, sử dụng chế phẩm sinh học, qua đó tăng năng suất, chất lượng cá thương phẩm, tiết giảm chi phí, tạo thêm việc làm cho người lao động. Năm 2017, sản lượng cá của HTX đạt 25 tấn, doanh thu gần 2 tỷ đồng, thu nhập của thành viên và người lao động từ 5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với 2 HTX nêu trên, nhiều HTX trên địa bàn, đặc biệt là các HTX nông nghiệp đã phát huy tốt vai trò đối với việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất cho các hộ dân. Điển hình như: HTX Hợp Thịnh, huyện Cao Lộc; HTX thủy sản Cấm Sơn, huyện Hữu Lũng; HTX Đồng Bục, huyện Lộc Bình; HTX Phượng Hoàng, huyện Chi Lăng…
Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX trong đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nên trong những năm qua, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền, vận động phát triển HTX. Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 24 HTX, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 192 HTX. Trong đó, số HTX hoạt động khá, tốt chiếm 38%, tăng 5% so với đầu năm; các HTX đã nộp ngân sách trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 4.000 thành viên và người lao động.
Với sự nỗ lực của các HTX, sự hỗ trợ thiết thực của các ngành, các cấp, nhiều HTX đang nỗ lực vượt khó vươn lên, phát huy tốt vai trò hỗ trợ thành viên, qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn.
Ý kiến ()