Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất: Liên kết, tăng hiệu quả
LSO- Để hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, điều quan trọng nhất là phải đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó hình thành, củng cố mối liên kết giữa các khâu sản xuất là tất yếu. Nói cách khác, phải chuyển từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Ban giám khảo chấm điểm Hội thi rau an toàn thành phố Lạng Sơn. Ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Tháng 8/2015, sau nỗ lực xúc tiến tiêu thụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với một số doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, một số mặt hàng nông sản đặc sản của Lạng Sơn đã được đặt hàng. Câu chuyện tưởng chừng rất đơn giản khi mà người sản xuất có sản phẩm và hệ thống phân phối có nhu cầu đặt hàng. Nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều.
Phức tạp ở chỗ sản phẩm đã có nhưng ai là người đứng ra ký hợp đồng với đơn vị phân phối, ai sẽ là người thu gom, phân loại và vận chuyển sản phẩm?. Rất may trong thời điểm bấy giờ, ngành hữu quan đã khâu nối, tạo mối liên kết giữa vùng sản xuất với Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn. Mối liên kết này là lời giải cho những vướng mắc trước đó. Toàn bộ hợp đồng, thu gom, vận chuyển được Liên hiệp Hợp tác xã đảm nhiệm.
Bà Hoàng Thị Vang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp hợp tác xã phấn khởi: nhờ liên kết mà đến nay, chúng tôi đã đưa được gần 10 tấn nông sản như: na, khoai môn, hồng Bảo Lâm, rau cải ngồng và 2.000 lọ măng ớt đến hệ thống siêu thị Fivimart (Hà Nội).
Xã viên Hợp tác xã rau màu Nà Chuông (TP Lạng Sơn) chăm sóc rau an toàn
Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh những mối liên kết như vậy là chưa nhiều. Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nêu ví dụ: nhu cầu về khoai tây của các nhà máy chế biến như bim bim, mì ăn liền… hiện nay là rất lớn nhưng họ thu mua theo kế hoạch, ký kết hợp đồng với vùng sản xuất từ trước, ở Lạng Sơn ta hầu như chưa có mối liên kết nào gắn kết những người trồng khoai tây lại để ký hợp đồng theo dạng này.
Mặt khác, với tư duy sản xuất nông hộ, mỗi người làm một kiểu, trên cùng một cánh đồng có rất nhiều chủng loại giống khác nhau. Thiếu liên kết giữa chính những người sản xuất đã không thể tạo được vùng sản xuất tập trung. Điều dễ nhận thấy là thiếu liên kết đã làm cho vùng khoai tây trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp và hiệu quả kinh tế ngày càng giảm sút do gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Ông Hoàng Văn Tình, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã cho biết: để nâng cao hiệu quả sản xuất cần đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Cụ thể là chuyển từ sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất như tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã. Hợp tác xã là chủ thể liên kết nông dân với doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường, quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mới chỉ có 88 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua rà soát chỉ còn 42 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó chỉ có 21 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, chưa có hợp tác xã quy mô cấp xã. Điểm qua những con số ấy để thấy rằng các liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh theo hình thức hợp tác xã còn rất thiếu và yếu.
Muốn hình thành vùng sản xuất lớn, tập trung gắn liền với thị trường tiêu thụ, quan trọng nhất là phải đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Điều này đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành trong hướng dẫn, hỗ trợ và gắn kết những người sản xuất.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()