Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất: Hình thành liên kết sản xuất
LSO- Hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, một số huyện trong tỉnh đã chủ động làm cầu nối, tạo liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Đây là hướng đi thiết thực, thay thế sản xuất nông hộ riêng lẻ bằng liên kết sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm. Việc liên kết giữa Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC với nông dân Hữu Lũng là ví dụ điển hình.
Vụ đông xuân 2012-2013, gia đình ông Dương Văn Thìn, thôn Đồng Áng, xã Yên Thịnh triển khai thí điểm liên kết với Công ty GOC trồng dưa chuột Nhật. Bác Thìn tâm sự: mô hình này do mấy thanh niên trong Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Yên Thịnh làm cầu nối và trực tiếp vận động tuyên truyền nhân dân làm. Do nhà neo người nên bác Thìn chỉ triển khai trồng 4 sào. Mới trồng nên năng suất chưa được như lý thuyết, chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/sào. Thế nhưng chỉ cần với năng suất như vậy, với giá thu mua đạt ổn định 3.000 đồng/kg, gia đình bác Thìn đã có lãi hơn chục triệu đồng.
Mô hình liên kết này khởi nguồn từ đầu năm 2012. Khi ấy Huyện đoàn Hữu Lũng tổ chức đoàn tới tham quan và làm việc với GOC tại Bắc Giang. Ngay sau cuộc làm việc này, Yên Thịnh đã đi đầu trong việc thí điểm liên kết sản xuất. Đến tháng 2/2012, Hợp tác xã dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Yên Thịnh được thành lập, một mặt vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia liên kết triển khai các mô hình mới, mặt khác trực tiếp ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp. Anh Lê Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: do hợp tác xã với nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân và cấp ủy, chính quyền xã nên các mô hình liên kết sản xuất đã có sức lan tỏa nhanh chóng.
Nông dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng thu hoạch dưa chuột Nhật
Tháng 8/2012, UBND huyện Hữu Lũng và Công ty GOC đã ký hợp đồng nguyên tắc về xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột Nhật, ngô bao tử, muồng trâu, cà chua bi, măng tre bát độ trên địa bàn. Theo đó, UBND huyện Hữu Lũng sẽ chỉ đạo, triển khai thực hiện gieo trồng, vùng nguyên liệu quy hoạch tối thiểu từ 2ha trở lên. Trong khi đó Công ty có trách nhiệm chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư và thu mua sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá cả được ký kết.
Bà Từ Thị Thái, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng Phòng đã quyết định dùng một phần nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ phát triển các mô hình này, đồng thời các xã cũng hỗ trợ người dân thông qua nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình nông thôn mới. Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã phát triển được 60ha diện tích liên kết sản xuất với Công ty GOC.
Từ dưa chuột Nhật, nhân dân Yên Vượng tiếp tục tham gia trồng ngô bao tử, muồng trâu; tại xã Đồng Tân hình thành mô hình trồng ớt; xã Quyết Thắng triển khai trồng măng bát độ…theo hạch toán kinh tế của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các mô hình liên kết đều có có giá trị kinh tế cao, nhà nông có lãi từ 2,2 triệu đồng/sào – 10 triệu đồng/sào. Theo nhận định chung của huyện, thì đây là những loại cây mới, hình thức liên kết cũng mới nên nhiều hộ gia đình còn bỡ ngỡ, chưa mạnh dạn tham gia và các mô hình cũng chưa đạt được năng suất như lý thuyết. Song với giá trị, hiệu quả kinh tế ban đầu cho thấy tiềm năng liên kết hình thành vùng sản xuất nguyên liệu là rất khả thi.
Trong quá trình kiểm tra Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh luôn lưu ý các huyện, xã về phát triển sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Hiện nay ở nhiều xã, thậm chí cả cấp huyện, khi thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất chỉ cố hình thành tổ hợp tác hay hợp tác xã là coi như thành công. Tuy nhiên bản chất cốt lõi của tiêu chí này là phải chuyển được tư duy sản xuất của nhà nông, từ đơn lẻ sang liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Khi hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, có hiệu quả, thì tiêu chí này tác động rất lớn tới các tiêu chí khác như thu nhập bình quân, tỷ lệ nghèo…Muốn làm được điều đó, đòi hỏi các cấp từ huyện tới cơ sở phải thực sự năng động, vào cuộc làm cầu nối để tạo ra liên kết bền vững giữa nhà nông và doanh nghiệp.
Bài,ảnh: VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()