LSO-Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tức là có hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là một trong những tiêu chí quan trọng của mô hình xã nông thôn mới. Có thời điểm mà các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động rất mờ nhạt, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của Ban quản trị còn rất hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp đã bắt đầu chuyển biến, thúc đẩy sự phát triển của các mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao. Liên kết với doanh nghiệp, nông dân xã Minh Tiến (Hữu Lũng) sản xuất ớt xuất khẩuTheo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2005, toàn tỉnh mới chỉ có 30 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hầu hết trong số này đều hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ HTX. Đến năm 2007, số HTX tăng thêm 16, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên con...
LSO-Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tức là có hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả là một trong những tiêu chí quan trọng của mô hình xã nông thôn mới. Có thời điểm mà các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động rất mờ nhạt, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của Ban quản trị còn rất hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp đã bắt đầu chuyển biến, thúc đẩy sự phát triển của các mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao.
Liên kết với doanh nghiệp, nông dân xã Minh Tiến (Hữu Lũng) sản xuất ớt xuất khẩu
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, hết năm 2005, toàn tỉnh mới chỉ có 30 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hầu hết trong số này đều hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ HTX. Đến năm 2007, số HTX tăng thêm 16, nâng tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên con số 46. Tuy tăng về số lượng, nhưng chất lượng hoạt động vẫn chưa được cải thiện nhiều. Doanh thu bình quân của 1 HTX lúc đó chỉ đạt 135 triệu đồng, trong đó lợi nhuận chỉ đạt 17 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của xã viên HTX chỉ ở mức 5,5 triệu đồng/năm. Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Chi cục Phát triển nông thôn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là triển khai ngay chính sách hỗ trợ thành lập mới HTX nông nghiệp, gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX, tổ hợp tác.
Ông Lương Kỳ Vồng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: đối tượng đào tạo, bồi dưỡng là chủ nhiệm, kế toán, kiểm soát, những người làm công tác quản lý, kỹ thuật. Trong giai đoạn 2007-2012, Chi cục đã triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho 962 cán bộ hợp tác xã. Trong giai đoạn này, tổng số HTX nông nghiệp thành lập mới là 39, trong đó có 15 HTX được hỗ trợ, bồi dưỡng về thông tin, kiến thức HTX; các HTX còn lại được hỗ trợ về dịch vụ, xây dựng điều lệ HTX và các thủ tục để thành lập, đăng ký kinh doanh và tổ chức hoạt động của HTX. Cũng trong thời gian này, việc vận động thành lập tổ hợp tác cũng được chú trọng. Đến nay tổng số tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ở con số 1.130, tăng 165 tổ hợp tác so với 6 năm trước đây, điều quan trọng là các tổ hợp tác đã bắt đầu chú trọng tới việc đăng ký với UBND cấp xã, chứ không hoạt động tự phát, tổ chức lỏng lẻo như trước đây. Đây là chuyển biến quan trọng để tạo ra những bước nhảy vọt về chất.
Anh Phan Tiến Dũng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ: sau khi thành lập, tôi và các cán bộ khác trong HTX đã được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, không chỉ hiểu sâu hơn, rõ hơn về HTX mà chúng tôi còn học hỏi được rất nhiều về thông tin thị trường và các hình thức tổ chức sản xuất mới, những kiến thức này có ảnh hưởng rất tích cực đến hướng phát triển của HTX. HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết đã trở thành một trong những HTX nông nghiệp đầu tiên thực hiện việc thu mua, tiêu thụ nông sản cho bà con vùng na để sản xuất rượu hoa quả theo quy trình đã được thẩm định, đồng thời triển khai dây chuyền sản xuất phân bón đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Bình quân thu nhập của các lao động trong HTX đã tăng lên mức 3 triệu đồng/người/tháng. Cũng qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về HTX và thông tin thị trường, anh Lê Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp xã Yên Thịnh (Hữu Lũng) đã hướng HTX phát triển theo hướng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất nông sản hàng hóa với quy mô lớn gắn liền với thị trường tiêu thụ. Giờ đây những sản phẩm như bí, dưa bao tử, ngô ngọt của nông dân Yên Thịnh, thông qua HTX đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nga, Nhật. Hiệu quả là đã đưa sản xuất nông nghiệp của toàn xã Yên Thịnh theo hướng đi mới, sản xuất có địa chỉ, theo đơn đặt hàng.
Đó chỉ là 2 ví dụ điển hình về hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp sau khi được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành. Tính đến tháng 11/2012, toàn tỉnh có 73 HTX nông nghiệp với 2.400 xã viên và trên 3.000 lao động thường xuyên. Doanh thu bình quân của HTX đã tăng lên 250 triệu đồng/năm; thu nhập của lao động thường xuyên tăng lên mức 25 triệu đồng/năm. Có thể khẳng định việc tăng cường vận động, hỗ trợ thành lập mới HTX gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng đã và đang đưa HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển biến mạnh mẽ về lượng và chất. Điều quan trọng là các mô hình hoạt động hiệu quả đó đã hình thành những hình thức tổ chức sản xuất mới ở khu vực nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()