Ðổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH đất nước
Còn nhớ đầu những năm 80 của thế kỷ 20, chúng ta triển khai, thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (như các chuyên gia trong ngành vẫn gọi). Tuy nhiên, tư tưởng tập trung quan liêu bao cấp, nhất là nền kinh tế trong tình trạng khủng hoảng đã ảnh hưởng, chi phối sự nghiệp GD – ĐT. Theo SREM, hạn chế lớn nhất là mục tiêu và giải pháp thiếu tính khả thi, như muốn phát triển GD theo quy mô lớn, muốn phổ cập GD toàn dân… trong khi thiếu sự chuẩn bị về các nguồn lực, hậu quả là quy mô và chất lượng GD – ĐT đều giảm sút. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chủ trương đổi mới nền kinh tế – xã hội, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, trong lĩnh vực GD, điều căn bản là phải điều chỉnh những quan niệm và giải pháp không còn thích hợp, mạnh dạn đề xuất và thực hiện những giải pháp mới nhằm ổn định tình hình, củng cố hệ thống, tạo thế và lực để tiếp tục phát triển. Ngành GD đã nỗ lực duy trì, củng cố và tiếp tục phát triển nền GD quốc dân; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ cán bộ, giáo viên; coi đội ngũ này là yếu tố quyết định hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả GD. Khẳng định trách nhiệm của Nhà nước, đồng thời khắc phục tâm lý ỷ lại, khơi dậy tinh thần xã hội hóa GD – ĐT, nhất là coi trọng điều chỉnh cải cách GD về mục tiêu, nội dung chương trình, sách giáo khoa và cả phương pháp làm GD. Nhờ vậy, chúng ta đã từng bước thực hiện chất lượng toàn diện phù hợp từng loại đối tượng, từng loại trường lớp, và từng địa phương; gắn GD phổ thông với GD nghề nghiệp… Đáng chú ý, tháng 12-1996, Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII đã đánh giá kết quả mười năm đổi mới GD, đồng thời đề ra định hướng chiến lược phát triển GD – ĐT trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; xác định nhiệm vụ của ngành GD – ĐT những năm cuối thế kỷ 20 và các năm đầu thế kỷ 21. Tiến hành điều chỉnh một số mục tiêu, giải pháp còn vướng mắc hoặc bị biến dạng trong thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới; tiếp tục cải tiến công tác quản lý GD – ĐT từ T.Ư đến cơ sở; thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở bậc phổ thông, trong đó có vấn đề phân ban ở trường THPT… Tuy không tránh khỏi các hạn chế, bất cập, tư tưởng chạy theo thành tích, và không ít tiêu cực dưới nhiều hình thức nảy sinh trong trường học gây bất bình trong dư luận, song hơn mười năm qua, lĩnh vực GD – ĐT đã có sự nỗ lực cố gắng tạo nên những chuyển biến mới trên nhiều mặt. Điều dễ nhận ra là quy mô GD trên cả nước tiếp tục tăng, trong đó công tác phổ cập GD tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập GD trung học cơ sở tiến triển tốt. Năm học 2007 – 2008, cả nước có 14.939 trường tiểu học với 6.832.567 học sinh; cấp THCS có 10.491 trường với 5.791.230 học sinh (trong đó có 33 trường ngoài công lập với gần 68.300 học sinh). Còn cấp THPT là 2.476 trường, bao gồm hơn 3,07 triệu học sinh (trong đó số trường công lập là 1.826 với hơn 2.238.140 học sinh). Mấy năm gần đây, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đi học tiểu học đạt 98%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học tiếp tục lên lớp 6 là hơn 98%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tham gia THCS đạt 84%, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học lớp 10 là hơn 77%. Mặt khác, các địa phương đã vận động hàng trăm nghìn trẻ em bỏ học quay lại nhà trường; hơn một triệu người lớn (chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn) đi học xóa mù chữ. Chương trình GD phổ thông và sách giáo khoa mới được triển khai từ năm học 2002 – 2003 đã hoàn tất vào năm học 2008 – 2009, tạo tiền đề cho việc nâng cao chất lượng GD ở các cấp. Về giáo dục đại học và dạy nghề, cùng với tăng quyền tự chủ cho các nhà trường, cho phép các trường liên kết trong đào tạo; khuyến khích mở trường dân lập, bán công, tư thục; từ đào tạo theo niên chế chuyển sang hình thức đào tạo theo học phần, tín chỉ… đã từng bước tăng về quy mô. Sự công bằng trong hưởng thụ giáo dục, cơ hội học tập cho các đối tượng khác nhau thuộc các vùng miền được cải thiện. Có thể điều tra, thống kê chưa đầy đủ, nhưng khoảng năm năm trở lại đây, số lượng con em các dân tộc thiểu số được tham gia học tập ở bậc THCS tăng hơn 7%/năm, còn ở bậc THPT tăng bình quân hơn 20%/năm…
Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thời gian qua, đã quán triệt mục tiêu và các yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các cấp học quy định trong Luật Giáo dục. Theo các chuyên gia trong ngành, nó nâng cao tính thống nhất, kế thừa và phát triển giữa các cấp học; làm tăng tính liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; tạo cơ sở cho việc phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân… Tuy nhiên SREM cho rằng, qua thực tế khoảng mười năm trở lại đây, việc đổi mới chương trình giáo dục không phải đã hết khó khăn. Về chủ quan, các tác giả luôn muốn học sinh phải đi theo con đường mà mình đã trải qua và chưa vượt qua được những quan niệm vốn có về môn học cũng như tập quán tư duy do cách phân chia các môn học như lâu nay. Về khách quan, là các hạn chế, yếu kém do năng lực quản lý nhà trường, và trình độ của đội ngũ giáo viên chưa thể đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Ngay chương trình phân ban mới ở cấp THPT gồm ba ban là Ban cơ bản, Ban khoa học tự nhiên, Ban khoa học xã hội và nhân văn (thực hiện từ năm học 2006 – 2007), dù trải qua hơn chục năm thử nghiệm, điều chỉnh nhưng đến nay vẫn còn ý kiến tranh luận, trao đổi. Rồi những vấn đề của hoạt động quản lý giáo dục, các quy định pháp lý cho trường dân lập, bán công, tư thục… đang gây sự quan tâm chú ý của cán bộ, công chức trong ngành và của toàn xã hội. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục đổi mới, cải cách toàn diện và sâu sắc lĩnh vực GD – ĐT. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đầu tư nguồn lực, trí tuệ, triển khai và thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển GD – ĐT đến năm 2015 và 2020 theo định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đó là, trước hết, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; mở rộng quy mô giáo dục một cách hợp lý. Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với GD – ĐT. Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Thứ tư, tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Thứ năm, bảo đảm sự công bằng xã hội giữa các vùng miền trong GD – ĐT. Thứ sáu, tăng cường nguồn lực cho GD – ĐT bằng đầu tư của Nhà nước và thực hiện xã hội hóa giáo dục…
Ý kiến ()