Ðổi mới giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), trong những năm qua, giáo dục ÐH đã có những bước phát triển mạnh về số lượng cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên và quy mô sinh viên. Hệ thống giáo dục ÐH cả nước hiện có 433 trường ÐH, CÐ. Năm học 2013-2014, quy mô đào tạo của các trường ÐH, CÐ là 2,163 triệu sinh viên, học viên sau đại học; trong đó có hơn 434 nghìn sinh viên, học viên tốt nghiệp. Trong khi đó, có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ quan nhà nước ở tất cả ngành nghề liên tục tuyển dụng nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, giáo dục ÐH còn nhiều khoảng trống; sinh viên, học viên thất nghiệp hoặc làm việc không đúng ngành nghề đào tạo; kỹ năng làm việc còn hạn chế.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, các chuyên gia giáo dục cho rằng, còn thiếu sự vào cuộc từ nhiều phía, nhất là cơ quan quản lý, các trường và doanh nghiệp chưa tạo thành một “chuỗi” thống nhất. Bà Phạm Thị Ly, công tác ở Viện đào tạo quốc tế (ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chừng nào các trường, nhất là trường công lập vẫn được ngân sách nhà nước bao cấp, thì lối dạy chay, chủ yếu đáp ứng nhu cầu bằng cấp của người học vẫn có đất sống và các trường chưa có động lực thay đổi. Về phía cơ sở đào tạo, theo khảo sát của Trường ÐH Nông lâm (ÐH Huế) mới đây, mặc dù đã triển khai chương trình giáo dục ÐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, nhưng vẫn còn 9,2% số sinh viên cho rằng, chương trình đào tạo chưa đáp ứng các mục tiêu đặt ra từ đầu và 22,8% còn phân vân về việc đáp ứng mục tiêu đặt ra từ đầu của chương trình đào tạo; 20,8% không đồng ý với ý kiến cho rằng, chương trình đào tạo giúp sinh viên có khả năng tìm kiếm được việc làm khác ngoài chuyên môn; 33% không đồng ý cho rằng có thể sử dụng tốt ngoại ngữ khi ra trường…
Dưới góc độ của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam Ðàm Quang Thắng nhìn nhận: Có một tỷ lệ lớn sinh viên mới ra trường chưa đáp ứng nhu cầu chuyên môn thực tế của doanh nghiệp, nhất là sinh viên khối công nghệ, kỹ thuật. Mặt khác, sinh viên đều thiếu hoặc không được cập nhật về thông tin liên quan chuyên môn ngành học, như thị trường, sản phẩm, các văn bản pháp quy… Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất cao, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Việc tìm kiếm nhân lực vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các kênh tuyển dụng, hoặc vị trí ở công ty có cùng ngành nghề kinh doanh. Trong khi đó, một lượng lớn (khoảng 50%) sinh viên tốt nghiệp ÐH, CÐ phải đối mặt với thất nghiệp hoặc không kiếm được việc làm phù hợp, đúng chuyên môn ngành nghề đã học.
Những bất cập trong đào tạo, sử dụng nhân lực đòi hỏi các trường ÐH, CÐ cần chuyển hướng đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, để đào tạo theo nhu cầu xã hội cần sự vào cuộc từ nhiều phía. Ðề cập đến việc hợp tác giữa trường ÐH và doanh nghiệp, từ kết quả nghiên cứu từ các trường tham gia chương trình giáo dục ÐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng, TS Nguyễn Thị Mai Phương (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng: phần lớn các trường chưa thành lập bộ phận chuyên trách để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quản lý, duy trì thông tin liên lạc. Các mối quan hệ hợp tác chủ yếu xuất phát từ quan hệ cá nhân giữa giảng viên, cựu sinh viên với doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp chưa nắm rõ nhu cầu của trường ÐH cũng như sinh viên trong hoạt động hợp tác. Vì vậy, các trường ÐH cần xác định hợp tác doanh nghiệp là ưu tiên trong chiến lược phát triển, còn doanh nghiệp phải coi hợp tác với trường là then chốt trong nâng cao nguồn nhân lực và lợi thế cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Các trường có thể thành lập các trung tâm quan hệ với doanh nghiệp gắn với hoạt động của cán bộ quản lý, các khoa phòng, giảng viên và sinh viên. Tăng cường trao đổi thông tin giữa trường ÐH và doanh nghiệp như: xây dựng hệ thống dữ liệu doanh nghiệp đối tác, tổ chức các sự kiện có sự tham gia của doanh nghiệp…
TS Nguyễn Văn Ðường, Vụ Giáo dục ÐH (Bộ GD và ÐT) cho rằng, để tăng cường giáo dục ÐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội, Nhà nước cần giữ vai trò định hướng phát triển, điều phối nguồn lực quốc gia và quản lý hệ thống giáo dục ÐH thông qua việc hoạch định chính sách, xây dựng và ban hành khung pháp lý, cung cấp về tài chính và hướng dẫn các trường họat động phục vụ lợi ích quốc gia, cộng đồng. Ðối với nhà tuyển dụng, Nhà nước giữ vai trò cân bằng lợi ích giữa nhà trường và nhà tuyển dụng thông qua các chính sách về đầu tư tài chính, miễn giảm thuế.
Theo PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Giáo dục ÐH (Bộ GD và ÐT), thực hiện quá trình đổi mới, Bộ đang xây dựng hệ thống giáo dục ÐH Việt Nam thành hệ thống giáo dục mở, có chất lượng, được phân tầng, liên thông và có chức năng nhiệm vụ phù hợp mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đa dạng, phục vụ xã hội và tăng tính cạnh tranh cũng như hợp tác quốc tế. Giáo dục ÐH sẽ chuyển hướng đào tạo theo chất lượng, điều chỉnh quy mô theo định hướng phân tầng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Ý kiến ()