Đổi mới giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh
- Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh cũng được ngành giáo dục quan tâm thực hiện. Các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã tăng cường hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, đổi mới phương thức và đa dạng hoạt động giáo dục nhằm tạo môi trường để học sinh rèn luyện phấn đấu, tạo hành trang vững chắc cho các em trong thời kỳ mở cửa, hội nhập.
Toàn tỉnh hiện có hơn 400 trường phổ thông (từ tiểu học đến THPT) với khoảng 150 nghìn học sinh mỗi năm học. Những năm qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh là việc làm thường xuyên được ngành giáo dục và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh quan tâm, chú trọng đổi mới. Cụ thể trước đây, việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh được thực hiện chủ yếu theo hình thức một chiều là giáo viên giảng và học sinh tiếp thu hoặc chủ yếu là tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành giáo dục có liên quan đến với học sinh. Từ năm học 2020 - 2021, để phù hợp với đặc điểm, tình hình trong mỗi giai đoạn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh đã được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động của học sinh, giúp học sinh nâng cao bản lĩnh chính trị, truyền thống cách mạng, ý thức trách nhiệm, đạo đức công dân.
Đổi mới từ giảng dạy môn học đặc thù
Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông thì môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân (GDCD - chương trình cũ 2006) và môn Giáo dục Kinh tế - pháp luật (chương trình giáo dục phổ thông mới 2018) có vị trí hết sức quan trọng, giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng và định hướng phát triển nhân cách của học sinh. Thời lượng dạy môn Đạo đức, GDCD và môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật trong nhà trường Chương trình cũ 2006 là 1 tiết/tuần/khối; chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 1 tiết/tuần/khối đối với môn Đạo Đức, môn GDCD; 2 tiết/tuần đối với môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, để việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh thông qua bộ môn được hiệu quả, ngành giáo dục tỉnh những năm qua đã luôn quan tâm chỉ đạo đổi mới dạy học bộ môn đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, hằng năm, 100% học sinh từ tiểu học đến THPT đều được học các môn Đạo đức, GDCD và môn Giáo dục kinh tế - pháp luật tuỳ từng cấp học. Những năm qua, trong quá trình dạy học, đội ngũ giáo viên giảng dạy các bộ môn này luôn tích cực đổi mới phương pháp đảm bảo việc giảng dạy sinh động, gắn với thực tiễn; phương pháp dạy học thực hiện theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực của người học, vừa truyền đạt tri thức cho người học, vừa giúp người học sáng tạo, tự nhận thức và tìm ra tri thức mới. Thay vì là người cung cấp thông tin, lý luận đơn thuần, giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy, hướng dẫn học trò cách chủ động nghiên cứu, sưu tầm, xử lý tài liệu... tạo hứng thú cho người học.
Cô giáo Hoàng Thị Trang, giáo viên bộ môn Giáo dục kinh tế - pháp luật và GDCD, Trường THPT Văn Lãng chia sẻ: Khi tổ chức dạy học, giáo viên bộ môn đã thường xuyên tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống, không chỉ tích hợp vào nội dung các bài học mà còn tổ chức các hoạt động sân khấu hóa, ngoại khóa, tham quan trải nghiệm với các chủ đề giáo dục đã được tổ chức như: truyền thống uống nước nhớ nguồn, bảo vệ môi trường, giáo dục sức khỏe sinh sinh sản, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông… Năm học 2023 - 2024, bộ môn dưới sự chỉ đạo của tổ chuyên môn đã tổ chức được 1 buổi ngoại khóa, 1 buổi tham quan trải nghiệm và kết hợp với Đoàn thanh niên cho học sinh thực hiện vê sinh môi trường nghĩa trang liệt sĩ định kỳ 2 lần/kỳ học.
Ngoài ra, để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình khám phá và lĩnh hội kiến thức bộ môn, giúp việc lĩnh hội chính trị tư tưởng không bị khô khan, giáo viên giảng dạy còn tích cực tổ chức các hoạt động như: thảo luận nhóm, quan sát, phân tích các tranh ảnh, tiểu phẩm, xử lý tình huống, nhận xét, đánh giá các các hành vi, việc làm, thông tin, sự kiện, hiện tượng trong đời sống thực tiễn có liên quan đến các chuẩn mực đạo đức và pháp luật đã học; sưu tầm, tìm hiểu các tranh ảnh, bài báo, các tư liệu có liên quan đến nội dung bài học và trình bày, giới thiệu sản phẩm sưu tầm được… các hoạt động dạy học được thiết kế đan xen nhau một cách hợp lý trong tiết học, vừa bảo đảm thực hiện được mục tiêu bài học, vừa gây được hứng thú học tập cho học sinh.
Lồng ghép trong các hoạt động giáo dục khác
Ngoài môn học đặc thù, các cơ sở giáo dục còn tích hợp nội dung giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh thông qua hoạt động ngoại khoá, tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với nhiều hoạt động thiết thực như: xem phim tư liệu, trích dẫn những câu nói của Bác hoặc những câu danh ngôn, tư liệu văn học về Bác; tổ chức tọa đàm nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi kể chuyện về Bác, tham gia cuộc thi tìm hiểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tổ chức thăm quê Bác... để giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đến học sinh; sử dụng lược đồ, tư liệu, tranh ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo cho học sinh sự hứng thú, dễ học, dễ nhớ, lôi cuốn học sinh tham gia và hoạt động tích cực, hiệu quả.
Em Nông Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 9 (năm học 2023 - 2024) Trường THCS xã Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Trong suốt 4 năm học tại trường, em thường xuyên được tham gia các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động ngoại khoá học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…. Thông qua các chương trình, hoạt động đó đã giúp em trau dồi vốn kiến thức, rèn luyện đạo đức, chú tâm học tập thật tốt và phấn đấu thi vào ngồi trường THPT hằng mong ước trong năm học mới 2024 - 2025 sắp tới là Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, qua đó em đã đạt được nguyện vọng như ý với điểm số thi vào đạt 39 điểm.
Tìm hiểu được biết, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh còn chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh thông qua nhiều hoạt động giáo dục như phối hợp với tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, công an huyện... tổ chức các phiên tòa giả định để giáo dục học sinh về các quy định của pháp luật. Ngoài ra, tại các buổi sinh hoạt dưới cờ, nhiều trường học ở cấp tiểu học đến THPT cũng xây dựng các hoạt cảnh, tiểu phẩm với nhiều nội dung phong phú nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của đội viên, đoàn viên, học sinh, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu Trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Cao Lộc cho biết: Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 408 học sinh với 2 cấp học (THCS và THPT). Bên cạnh giáo dục đạo đức, chính trị tư tưởng trong môn học, nhà trường còn triển khai các quy tắc ứng xử với các tiêu chí rèn luyện phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, trong đó đề cao yếu tố thân thiện, gắn kết, chia sẻ trong học sinh. Nhiều hình thức giáo dục đã phát huy hiệu quả tốt như: Kể chuyện đạo đức đầu giờ; lồng ghép tuyên truyền giáo dục ứng xử, kỹ năng sống, các câu chuyện đạo đức trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, tổ chức Tuần sinh hoạt công dân đầu năm; giúp đỡ học sinh lớp 6, lớp 10 đầu cấp mới xa nhà nhanh chóng ổn định và hòa nhập. Đồng thời cử mỗi thầy, cô phụ trách một đến hai phòng ở, nhận giúp đỡ ít nhất 2 học sinh, thường xuyên nắm bắt tâm tư hoàn cảnh để động viên, giúp đỡ, giáo dục uốn nắn, điều chỉnh hành vi học sinh một cách kịp thời. Do vậy trong năm học không có học sinh nào có hạnh kiểm trung bình, yếu.
Được biết, để việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh hiệu quả, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường phổ thông thực hiện loại bỏ những nội dung trừu tượng, hàn lâm; cung cấp những hiểu biết cơ bản, cần thiết về giáo dục đạo đức, chính trị, pháp luật, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục những hiểu biết về văn hoá phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, mỗi năm có trên 15.500 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, công chức, viên chức ngành giáo dục được tham gia bồi dưỡng chính trị hè, qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ về học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, tạo bước chuyển biến quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh từ trên ghế nhà trường.
Bằng những cách làm thiết thực kể trên, những năm gần đây, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trọng rèn luyện đạo đức, học tập của học sinh phổ thông. Theo ghi nhận của ngành giáo dục tỉnh, từ năm học 2020 - 2021 đến nay, ở cấp tiểu học hằng năm trên 99% học sinh được đánh giá hoàn thành đến hoàn thành xuất sắc chương trình giáo dục; cấp THCS có trên 98% học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên; cấp THPT có hơn 96% học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên...
Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh và các nhà trường phổ thông sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, chú trọng dạy học tích hợp, chú trọng lồng ghép nội dung giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh nhằm giáo dục học sinh trở thành những công dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, giúp lan tỏa thông tin tích cực, định hướng tư tưởng chính trị cho học sinh.
Ý kiến ()