Đổi mới giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh
– Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc đưa nội dung giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh (QP – AN) vào các nhà trường phổ thông trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, trang bị kiến thức cho giáo viên, học sinh đề cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện hiệu quả công tác QP – AN trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Giáo dục QP – AN là môn học đặc thù trong các nhà trường bậc THPT và giáo dục chuyên nghiệp; môn học có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Môn học giáo dục QP – AN cơ bản đã cung cấp cho học sinh những hiểu biết về nền quốc phòng toàn dân, truyền thống vẻ vang của quân đội và Nhân dân Việt Nam; nắm bắt những kỹ năng quân sự cần thiết về điều lệnh, hiểu biết bản chất, cấu tạo, những tính năng kỹ, chiến thuật và sử dụng một số loại vũ khí bộ binh thông thường…
Học sinh Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan thực hành ném lựu đạn xa trúng đích. (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Hiện nay, toàn tỉnh có 63 giáo viên thực hiện công tác giảng dạy môn giáo dục QP – AN tại 30 trường THPT. Hằng năm, các nhà trường đã cử giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn về phương pháp giảng dạy môn giáo dục QP – AN; cách sử dụng máy bắn tập, cách cài đặt phần mềm, đảm bảo cho giáo viên hướng dẫn tốt cho học sinh trong các giờ bắn tập trên máy; nhất là việc ứng dụng phần mềm Powerpoint trong soạn giảng phần lý thuyết được hướng dẫn, ứng dụng có hiệu quả, nhiều bài soạn ứng dụng công nghệ thông tin với hình ảnh sinh động, tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập.
Trong những năm học gần đây, việc đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học tiếp tục được chú trọng, với trang bị đầy đủ các mô hình thiết bị học tập như: đường đạn trong không khí; súng tiểu liên AK cắt bổ; súng tiểu liên AK tập luyện bằng kim loại; máy tập bắn; lựu đạn…
Cùng với đó, các nhà trường thường xuyên vận động giáo viên, học sinh tự làm một số thiết bị phục vụ dạy học phần băng bó cứu thương như: các loại nẹp, bông, băng, cáng… Đồng thời, công tác quản lý, sử dụng các thiết bị, đồ dùng dạy học bộ môn được các nhà trường thực hiện chặt chẽ; sau mỗi đợt sử dụng đều bảo dưỡng, lau chùi, kiểm tra kỹ thuật, rà soát, sắp xếp khoa học. Ngoài ra, các nhà trường còn tổ chức hội thảo, phối hợp tổ chức hội thi liên trường, giúp giáo viên có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, trao đổi, học tập.
Một điểm nữa nếu như trước đây, việc học môn giáo dục QP – AN được tập trung một lần vào đầu năm học hoặc giữa năm học, thì nay, các nhà trường phân phối chương trình môn giao dục QP – AN được bố trí hợp lý, giảng dạy hằng tuần cùng với các môn học chính khóa khác và tăng thời gian thực hành kỹ năng quân sự. Việc lồng ghép với các tiết học lý thuyết, thực hành trên lớp, trên thao trường là những giờ ngoại khóa xem phim tài liệu, trò chuyện với cựu chiến binh, tham quan di tích lịch sử, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn truyền thống đấu tranh cách mạng của cha, ông, hiểu biết về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điểm nổi bật, nhằm nâng cao chất lượng môn học giáo dục QP – AN, các nhà trường đã phối hợp với cơ quan quân sự, công an tổ chức các hoạt động giáo dục QP – AN như: Tuyên tuyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục pháp luật, tổ chức hội thao cấp trường, kiểm tra bắn đạn thật đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, vũ khí trang bị. Điển hình, năm học 2019 – 2020, ngành GD&ĐT đã phối hợp tổ chức thành công hội thao giáo dục QP – AN học sinh THPT, với các nội dung: tháo lắp súng AK; ném lựu đạn xa trúng đích; chạy vũ trang; băng bó cứu thương…
Trung tá Nguyễn Quang Huy, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính trị viên Ban CHQS thành phố cho biết: Hằng năm, cơ quan quân sự thành phố đều phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tổ chức kiểm tra bắn đạn thật cho 10% học sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Qua đó cho thấy: học sinh nắm chắc được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật bắn súng, biết vận dụng giữa lý thuyết với thực hành.
Nhờ đổi mới phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất từng bước được quan tâm đầu tư, chỉ tính năm học 2019 – 2020 có 49,7% học sinh được xếp loại giỏi môn giáo dục QP-AN (tăng 4,6% so với năm học 2018 – 2019); năm học 2020 – 2021 có 49,86% học sinh được xếp loại giỏi (tăng 0,16% so với năm học 2019 – 2020).
Năm học 2021 – 2022, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục đổi mới giảng dạy môn giáo dục QP-AN; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tránh áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung bồi dưỡng năng lực tự chủ và tự học để học sinh có thể tìm hiểu, mở rộng vốn tri thức, tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông; chú trọng rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức QP – AN để phát hiện và giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.
Ý kiến ()