Đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị
Chiều 9/5, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra hội nghị toàn quốc về công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nói riêng. Yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ về nội dung, chương trình, giáo trình, về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp trong đào tạo lý luận chính trị, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp. Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 09-KL/TW ngày 9/7/2021 về xác định trình độ lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên; Quy định số 57-QĐ/TW ngày 8/2/2022 về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phải khắc phục triệt để tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị, học đối phó, học để lấy bằng cấp, học để quy hoạch, học để bổ nhiệm.
Phẩm chất của cán bộ phải được đào tạo, bản lĩnh phải được rèn luyện, kiến thức phải được cập nhật, có như vậy mới am tường lý luận, đủ khả năng để lãnh đạo, xử lý vấn đề trong thực tế đặt ra. Đồng chí đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc đăng ký chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng hằng năm, bảo đảm việc cử cán bộ tham gia đào tạo lý luận chính trị đúng đối tượng, đủ chỉ tiêu đăng ký; phối hợp quản lý hoạt động học tập, rèn luyện tại Học viện của cán bộ.
Hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Trong đó, các ý kiến phát biểu cho rằng việc đổi mới xây dựng và thiết kế nội dung chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo yêu cầu nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn và nhu cầu của người học.
Giai đoạn 2020-2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Công tác đào tạo cao cấp lý luận chính trị có bước phát triển toàn diện cả về đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình; tổ chức tuyển sinh, quản lý hệ thống, tăng cường kỷ cương, kỷ luật học tập. Học viện chủ động rà soát, sàng lọc các đối tượng tuyển sinh bảo đảm theo Quy định số 57; đồng thời là căn cứ để đánh giá tổng thể chất lượng các chương trình đào tạo lý luận chính trị và thiết kế, xây dựng chuẩn hệ thống chương trình đào tạo lý luận chính trị của Học viện…
Ý kiến ()