Ðổi mới doanh nghiệp nhà nước theo chiều sâu
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải là sự sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới DNNN như vẫn thường làm.Đây là việc đổi mới DNNN có chiều sâu hơn, thực chất hơn, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát hiện các yếu tố, nguyên nhân làm gia tăng hoặc giảm giá trị, khai thác các tiềm năng, khắc phục các tồn tại, bất cập của DNNN.Thông qua đó, cơ cấu lại DNNN cùng với tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu thị trường tài chính sẽ thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.Những nội dung quan trọng, cấp thiết của cơ cấu lại DNNN cần tập trung giải quyết như sau: Một là, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN. Hai là, tái cơ cấu sở hữu nhà nước trong nền kinh tế; trong các ngành, lĩnh vực; tại các DNNN và doanh nghiệp (DN) có một phần vốn nhà nước. Ba là, tái cơ cấu các DNNN, trong đó có tập đoàn kinh tế (TĐKT) và tổng công ty (TCT). Bốn là, tái cơ cấu tài chính DNNN. Năm...
Đây là việc đổi mới DNNN có chiều sâu hơn, thực chất hơn, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát hiện các yếu tố, nguyên nhân làm gia tăng hoặc giảm giá trị, khai thác các tiềm năng, khắc phục các tồn tại, bất cập của DNNN.
Thông qua đó, cơ cấu lại DNNN cùng với tái cơ cấu đầu tư và tái cơ cấu thị trường tài chính sẽ thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Những nội dung quan trọng, cấp thiết của cơ cấu lại DNNN cần tập trung giải quyết như sau: Một là, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN. Hai là, tái cơ cấu sở hữu nhà nước trong nền kinh tế; trong các ngành, lĩnh vực; tại các DNNN và doanh nghiệp (DN) có một phần vốn nhà nước. Ba là, tái cơ cấu các DNNN, trong đó có tập đoàn kinh tế (TĐKT) và tổng công ty (TCT). Bốn là, tái cơ cấu tài chính DNNN. Năm là, tái cơ cấu quản trị DNNN.
Sáu là, tái cơ cấu các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bảy là, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật cho hoạt động và cơ cấu lại DNNN.
Cách tiếp cận cơ cấu lại DNNN là chuyển mạnh sang áp dụng các biện pháp tái cấu trúc có tính thị trường. Đó là, thực hiện các biện pháp tạo lập, kích thích, nuôi dưỡng, phát triển những yếu tố thị trường trong lựa chọn, duy trì hoặc loại bỏ những DNNN, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người lao động không đáp ứng yêu cầu mới. Tạo sức ép trách nhiệm và động lực hơn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động, trước hết của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kinh nghiệm và bài học đúc rút từ sắp xếp, đổi mới DNNN đến nay cho thấy, việc áp dụng biện pháp hành chính trong cơ cấu lại DNNN chỉ phát huy tác dụng ở giai đoạn đầu, giảm bề rộng (số lượng DNNN), nhưng chưa có tác dụng rõ rệt trong chuyển biến về chiều sâu (năng suất, chất lượng, hiệu quả) của phần lớn các DNNN cũng như phần lớn các TĐKT, TCT. Đổi mới DNNN chỉ thật sự đi vào chiều sâu khi thực hiện các biện pháp có tính thị trường bằng xã hội hóa (thị trường hóa) cơ cấu sở hữu, quản lý, giám sát, như trường hợp của các DNNN cổ phần hóa.
Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN
Tái cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN là nội dung rất quan trọng mà chưa được coi trọng. Đây là ngành, lĩnh vực có liên quan đến duy trì hay mở rộng hoặc thu hẹp sở hữu nhà nước, đầu tư nhà nước, sử dụng nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác (đất đai, tài nguyên, nhân lực…) tại DNNN (100% vốn nhà nước và hơn 50% vốn nhà nước) hoặc DN có một phần vốn nhà nước (từ 50% trở xuống). Việc mở rộng hay thu hẹp các ngành, lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng tăng hay giảm phạm vi, quy mô, hiệu quả kinh doanh của từng DNNN và khu vực DNNN, mà có tác động rất lớn đến quy mô sử dụng vốn nhà nước, đầu tư công và thị trường tài chính (thông qua tăng, giảm, điều chỉnh, bổ sung vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, sử dụng vốn tín dụng, trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, bảo lãnh nhà nước…), tác động quy mô nợ, an toàn tài chính DN, ngân hàng, tổ chức tài chính,…
Vì vậy, cơ cấu lại DNNN cần nhiều nỗ lực để xác định chiến lược ngành, lĩnh vực cần duy trì sở hữu nhà nước (kể cả thu hẹp hoặc mở rộng khi cần thiết), trong đó, đặc biệt quan trọng là bảo đảm tính cụ thể, chi tiết về ngành, lĩnh vực để có căn cứ tái cơ cấu ở phạm vi DN. Trong tầm nhìn Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, có tính đến vai trò của kinh tế nhà nước và của các thành phần kinh tế khác (trong đó kinh tế tư nhân được coi là một trong những động lực phát triển), cần thu hẹp đáng kể ngành, lĩnh vực hoạt động cần duy trì 100% sở hữu nhà nước. DNNN 100% sở hữu nhà nước, chỉ nên tập trung vào một số ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công cộng và công ích; những sản phẩm, dịch vụ có ý nghĩa và tầm quan trọng quốc gia về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng. Đối với ngành, lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh thị trường, bên cạnh đẩy nhanh cổ phần hóa toàn bộ DN 100% vốn nhà nước, dùng cơ chế thị trường, áp lực ngân sách cứng, áp lực cạnh tranh thị trường để quyết định việc tồn tại của DNNN. Những DNNN không có hiệu quả bị đào thải khỏi thị trường; ngành, lĩnh vực đó không cần duy trì DNNN và sở hữu nhà nước. Cần đổi mới tư duy sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với ngành, lĩnh vực có sử dụng DNNN để điều tiết, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô làm công cụ điều tiết thay cho sử dụng DNNN. Trong trường hợp đặc biệt như khủng hoảng, suy giảm, lạm phát cao mà buộc phải sử dụng đến DNNN, để tránh làm méo mó thị trường, chỉ nên sử dụng DNNN như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chủ yếu là chính sách vĩ mô để điều tiết, đồng thời phải minh bạch hóa và thể chế hóa vai trò này của DNNN.
Cơ cấu lại các TĐKT, TCT
Đây là một trong những nội dung quan trọng của cơ cấu lại DNNN. Các giải pháp cơ cấu lại các TĐKT, TCT tập trung vào: tái cơ cấu ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh, tập trung vào ngành chính; cắt giảm số lượng thành viên và số tầng, cấp DN; tái cơ cấu đầu tư, tài chính; đổi mới mô hình TĐKT, TCT; tạo sự chuyển biến về chất đối với công ty mẹ trong thực hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt, định hướng, giám sát đối với nhóm công ty, tổ hợp DN; cải thiện quan hệ giữa công ty mẹ và các DN thành viên; cải thiện quản trị DN, tạo sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh, trong quản lý, giám sát, thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn đối với công ty con, công ty liên kết; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với TĐKT, TCT; chú trọng giám sát cả các DN thành viên; xác định rõ cơ chế trách nhiệm và chế tài đối với cá nhân trong bộ máy quản lý, lãnh đạo TĐKT, TCT và của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, cần chú trọng kiểm soát thành lập mới các TĐKT, TCT và DN thành viên. Đổi mới tư duy trong xây dựng đề án chuyển đổi, thành lập, cơ cấu lại TĐKT, TCT. Kiểm soát chất lượng đề án chuyển đổi, thành lập TĐKT, TCT. Tăng cường giám sát đề án sau chuyển đổi, thành lập. Tăng cường vai trò phản biện độc lập, sử dụng cơ quan, tổ chức độc lập, chuyên gia độc lập trong xây dựng, phản biện đề án tái cấu trúc toàn bộ khu vực DNNN, TĐKT, TCT cũng như đối với đề án của từng TĐKT, TCT, DNNN.
Cơ cấu lại các cơ quan đại diện chủ sở hữu
Hiệu quả DNNN không chỉ phụ thuộc bản thân các DNNN, mà một phần rất quan trọng được quyết định bởi năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, thống nhất, đồng bộ của các cơ quan thực hiện vai trò, chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Vì thế, cần tái cơ cấu các cơ quan đại diện chủ sở hữu để tổ chức thực hiện tốt hơn chức năng chủ sở hữu nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước và thúc đẩy cải cách hành chính. Để làm được điều đó, cần thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tách chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước. Lý do là, quản lý của chủ sở hữu nhà nước thuộc chức năng kinh doanh, là thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tại DN. Quản lý nhà nước là chức năng công quyền, với các nhiệm vụ quản lý hành chính công và cung cấp dịch vụ công cho mọi đối tượng DN không phân biệt tính chất sở hữu hay thành phần kinh tế. Sự kết hợp hai chức năng này trong cùng cơ quan sẽ khó tạo ra tính chuyên nghiệp, trách nhiệm rõ ràng của bộ máy và cán bộ, nhiều khi còn làm méo mó chính sách đối với DNNN.
Thứ hai, thực hiện thống nhất, tập trung và bảo đảm tính chuyên trách, chuyên nghiệp của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Chức năng chủ sở hữu đòi hỏi tính nhanh nhạy, không hành chính hóa trong xử lý, đưa ra quyết định. Cần thu gọn đầu mối hoặc hiện thực hơn là tổ chức cơ quan cấp bộ hoặc Ủy ban thuộc Chính phủ chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của toàn dân thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, Quốc hội cần được bổ sung chức năng và nhiệm vụ giám sát thực hiện chức năng chủ sở hữu của Chính phủ.
Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật về thực hiện và giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Sau ngày 1-7-2010, khi Luật DNNN hết hiệu lực, khoảng trống pháp lý trong hướng dẫn thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước theo Luật Doanh nghiệp cần nhanh chóng được xóa bỏ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()