Đổi mới để có hiệu quả mới
Học môn giáo dục Quốc phòng tại Trường THPT Chu Văn An – Ảnh: MINH HỒNG |
TỪ TẬP TRUNG ĐẾN THƯỜNG XUYÊN
Với nội dung chủ yếu là cung cấp những kiến thức về truyền thống đánh giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; đường lối, quan điểm của Đảng và nhà nước ta về QP-AN; công tác QP-AN của Đảng và nhà nước, học sinh cấp THPT được tiếp cận các văn bản pháp luật về QP-AN và được phổ cập những kiến thức cần thiết về lực lượng vũ trang nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam và được cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, phòng thủ dân sự. Khối lượng kiến thức đầy đủ, nhiều mặt, trong đó bao gồm cả kiến thức chính trị, pháp luật đến các kiến thức quân sự như kỹ chiến thuật, binh khí, bắn đạn thật…đòi hỏi học sinh vừa phải tập trung cao độ để lĩnh hội, đồng thời cũng cần phải có thời gian để “thấm” và thuần thục. Vì vậy, nếu trước đây, các nhà trường cho học sinh học tập trung trong 1 tuần đầu năm học, thì nay, với tư cách là một môn học chính khóa, bắt buộc, các nhà trường đã thực hiện “rải đều” trong cả năm học. Thầy giáo Lê Quang Phong, Tổ phó bộ môn Thể dục- Giáo dục Quốc phòng Trường THPT Việt Bắc nói với chúng tôi: “Với quy định “cứng” là 105 tiết trong cấp THPT, trung bình mỗi khối sẽ thực hiện 35 tiết/ năm (mỗi tuần 1 tiết), thì việc “học rải” trong cả năm học sẽ có tác dụng nâng cao ý thức của người học về bộ môn; mặt khác để học sinh đỡ “quên” những kiến thức mang tính hệ thống cao của bộ môn”. Từ khi triển khai Nghị định 116 về Giáo dục Quốc phòng và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã hình thành đội ngũ giáo viên QP-AN mang tính chuyên môn cao (hiện đã có 4 giáo viên, trong đó có 1 giáo viên được học văn bằng 2, 1 người có chứng chỉ bồi dưỡng 6 tháng và 2 giáo viên kết hợp), có sự giúp đỡ và phối hợp của Ban Chỉ huy Quân sự Thành phố Lạng Sơn trong các tiết về binh khí, chiến thuật và bắn đạn thật, nên Trường THPT Việt Bắc luôn hoàn thành chương trình giáo dục bộ môn với chất lượng cao.
HỆ THỐNG KIẾN THỨC HOÀN CHỈNH
Không chỉ có Trường THPT Việt Bắc mà trong tất cả 24 trường THPT, cách thức tiến hành bộ môn đều mang tính thống nhất.Với dụng lượng 1 tiết/ tuần, học sinh sẽ được học các kiến thức về ANQP từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ nhận thức đến khả năng hành động… đến cuối năm lớp 12, học sinh THPT hoàn toàn đáp ứng yêu cầu đăng ký công dân sẵn sàng nhập ngũ. Sự đổi mới phương pháp, sắp sếp thời gian phù hộ, nên kết quả thu được đáp ứng yêu cầu của bộ môn. Năm học 2013-2014, với 8.440 học sinh cấp THPT tham gia học tập, kết quả xếp loại học lực giỏi đạt trên 35%, loại khá trên 48%, không có loại yếu kém.
Học sinh Trường THPT Na Dương, huyện Lộc Bình thực hành tháo lắp súng bộ binh – Ảnh: DƯƠNG NGUYÊN |
Ngoài bộ môn QP-AN, các trường THPT đã quan tâm chỉ đạo đội ngũ giáo viên các bộ môn lồng ghép ý thức bảo vệ Tổ quốc, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh thông qua các môn học. Giáo viên chủ nhiệm lớp, Đoàn thanh niên tổ chức các buổi ngoại khóa “về nguồn”, mời cán bộ của Ban chỉ huy Quân sự địa phương, công an các huyện, thành phố, công an khu vực tham gia ngoại khóa để bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức về QP-AN, các kỹ năng cần thiết về phòng chống các tệ nạn xã hội cho các em. Thượng tá Đặng Văn Tuyến, Chỉ huy Trưởng- Ban chỉ huy Quân sự thành phố Lạng Sơn cho biết, với chức năng của mình, Ban chỉ huy Quân sự thành phố luôn sát cánh, hợp đồng với các trường THPT địa bàn để tổ chức tốt, hoàn thành với chất lượng cao chương trình giáo dục QP cho học sinh.
Hiện nay, toàn ngành giáo dục đã có đội ngũ giáo viên môn Giáo dục QP-AN cấp THPT là 151 người, tuy vậy, mới chỉ có 22 người được bồi dưỡng chuyên môn về bộ môn, số còn lại chủ yếu là giáo viên các bộ môn khác chuyển sang và cũng chỉ qua các lớp tập huấn. Vì vậy, nhiều trường vẫn phải đề nghị các Ban chỉ huy Quân sự huyện, thành phố giúp đỡ về giáo viên. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà trường.
Ý kiến ()