Ðổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao
Để cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng, công bằng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao được coi là yếu tố quyết định.
Sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương |
Nguồn nhân lực y tế chất lượng cao không đồng nghĩa với học hàm, học vị cao nếu như họ không có đóng góp gì thật sự có giá trị về mặt khoa học trong suốt quá trình công tác hoặc nghiên cứu khoa học. Họ có thể chỉ là những bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên, hay điều dưỡng, hộ sinh, cử nhân y tế công cộng… được đào tạo, có tay nghề chuyên môn giỏi, đạo đức nghề nghiệp và thái độ giao tiếp ứng xử tốt, đáp ứng hiệu quả yêu cầu công việc và đóng góp thật sự cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đó chính là điều mà người dân mong đợi.
Số liệu điều tra gần đây của Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương về nguồn nhân lực kỹ thuật viên (KTV) y tế tại 28 tỉnh miền bắc cho thấy: đội ngũ KTV y tế không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng và không đồng bộ về chuyên ngành. Hầu hết ở trình độ trung cấp (96,5%), gần 50% số điều dưỡng viên làm công việc KTV y tế, nhất là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên ngành. Hơn nữa, do sự phát triển nhanh của hệ thống y tế tư nhân nên nhu cầu nhân lực y tế ngày càng lớn, điều đó thu hút nhiều cán bộ y tế (CBYT) giỏi, có kinh nghiệm từ các cơ sở y tế công lập, một khi sự gia tăng khác biệt về thu nhập và điều kiện làm việc của CBYT giữa các tuyến, các chuyên ngành sẽ góp phần gây nên tình trạng chuyển dịch CBYT. Vấn đề năng lực chuyên môn của CBYT còn nhiều bất cập, khó khăn: dưới 30% số CBYT có trình độ đại học làm việc trong các cơ sở công lập và tập trung nhiều ở tuyến tỉnh; ở tuyến xã chủ yếu trình độ trung và sơ cấp; khả năng đáp ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở tuyến dưới thấp, vẫn sai sót trong chẩn đoán, điều trị, nhất là những bệnh không truyền nhiễm. Nguyên nhân do ít được đào tạo liên tục, đào tạo cập nhật, từ đó góp phần tạo nên sự quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; chương trình đào tạo chậm đổi mới, cơ sở vật chất cho đào tạo còn thiếu thốn, chưa có mối liên hệ chặt chẽ trường – bệnh viện; chưa có hệ thống thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề; việc kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo còn hạn chế, kinh phí đầu tư cho đào tạo thấp… ảnh hưởng không nhỏ tới đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.
Từ thực trạng trên, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế có chất lượng, một trong những việc cấp bách đòi hỏi đào tạo phải đột phá và đổi mới, chuyển hướng đào tạo dựa trên năng lực và thực hành, dựa vào bằng chứng. Muốn vậy các cơ sở đào tạo cần xác định lấy người học làm trung tâm, mọi hoạt động phải hướng về người học. Đào tạo theo nhu cầu xã hội, lấy việc nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của CBYT sau khi ra trường là vấn đề quyết định chất lượng đào tạo. Chỉ như vậy mới đáp ứng được mong đợi của người học và các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực. Bên cạnh việc tập trung đào tạo phát triển và xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới công tác quản lý, cơ chế tài chính, cần tập trung đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá để bảo đảm chuẩn đầu ra mà các chuyên ngành y – dược đã cam kết với xã hội.
Vấn đề là chúng ta đổi mới từ đâu? Đã đến lúc các cơ sở đào tạo cần dựa vào nơi sử dụng nguồn nhân lực, cơ quan quản lý và các hội nghề nghiệp y tế để nghiên cứu xác định lại vị trí, vai trò, yêu cầu của từng chuyên ngành, xác định cơ cấu nguồn lực về số lượng, trình độ đào tạo, định biên so với tỷ lệ giường bệnh, tỷ lệ dân số. Bên cạnh đó, cũng cần phải nghiên cứu mô hình sức khỏe và cơ cấu bệnh tật hiện nay để tập trung đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp. Từ yêu cầu thực tế cần bổ sung hoàn chỉnh nhiệm vụ của từng chuyên ngành; tiến hành đào tạo năng lực cần có của CBYT (bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên…) giúp họ sau khi ra trường hoàn thành có chất lượng và hiệu quả công việc được giao. Muốn vậy phải xây dựng những nhóm kỹ năng cốt lõi và những kiến thức thái độ “kỹ năng mềm”, tránh tình trạng chỉ quan tâm tới đầu vào, tư duy ban phát kiến thức một chiều, kiến thức hàn lâm, chung chung, mà ít quan tâm kỹ năng thực hành, tới năng lực đầu ra. Chưa lắng nghe và tham khảo ý kiến của các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực và các hội nghề nghiệp về chất lượng tay nghề, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp của sản phẩm do trường đào tạo, cùng nhau hợp tác xây dựng, đánh giá chương trình, nhằm điều chỉnh chương trình đào tạo hợp lý theo nhu cầu xã hội. Hiện nay, chúng ta mới chỉ chú trọng tới đào tạo “phần cứng” kỹ năng nghề nghiệp mà còn xem nhẹ những “kỹ năng mềm”, nhất là chưa coi trọng giáo dục y đức cho học sinh, sinh viên, chưa quan tâm đào tạo những kỹ năng sống, tư duy phản biện, học tập, nghiên cứu, giao tiếp ứng xử, v.v.
Năng lực là sự kết hợp giữa khả năng của CBYT với nhiệm vụ, nhưng phải phù hợp với văn hóa, đặc điểm, hoàn cảnh cụ thể xã hội yêu cầu. Trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, nhà quản lý và người sử dụng nguồn nhân lực và các hội nghề nghiệp. Trên cơ sở các tiêu chuẩn năng lực, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình, nội dung theo năng lực, thực hành dựa vào bằng chứng để nâng cao chất lượng đào tạo và cung ứng dịch vụ y tế bảo đảm hiệu quả, đúng luật và an toàn; áp dụng chương trình đào tạo của các nước tiên tiến nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ sở y tế và hội nhập y tế quốc tế. Các bệnh viện, cơ sở y tế công lập và tư nhân phải xem việc đào tạo và kết hợp với nhà trường trong công tác đào tạo thực tập lâm sàng cho học sinh, sinh viên, vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm, coi đây là giải pháp đầu tư để phát triển; đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa theo hướng liên kết giữa nhà quản lý, cơ sở sử dụng nhân lực, cơ sở đào tạo và các hội nghề nghiệp y tế nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực theo đúng nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và lãng phí trong đào tạo và sử dụng. Tăng cường sự phối hợp với hội nghề nghiệp, chú ý lắng nghe những ý kiến tư vấn, phản biện quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, đánh giá và kiểm định chất lượng đào tạo. Cơ sở đào tạo, cơ sở y tế và hội nghề nghiệp không chỉ phối kết hợp trong việc tổ chức sinh hoạt khoa học, cập nhật kiến thức và các kỹ thuật tiên tiến mà cần kết hợp trong nghiên cứu khoa học, đào tạo liên tục, đào tạo cập nhật theo chuyên đề cho CBYT sau khi tốt nghiệp, phù hợp với sự phát triển của khoa học và yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Ở Việt Nam, khi chưa tiến hành kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề y dược, các cơ sở sử dụng nhân lực cần đổi mới cơ chế tuyển dụng. Nên chăng, xây dựng và sử dụng tiêu chuẩn năng lực trong việc tuyển chọn, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào bằng cấp. Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực y tế đã được đào tạo, xem việc đào tạo và sử dụng, đãi ngộ có đúng chuyên ngành không? Bên cạnh đó, cần mở rộng hợp tác giữa cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp các tổ chức trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, học tập, hợp tác lẫn nhau trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hành nhằm cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, phát triển theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ý kiến ()