Đổi mới đào tạo nghề theo hướng thực học, thực nghiệp
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, đại diện các trường nghề, các Sở LĐTB&XH, và các doanh nghiệp… tham dự hội nghị.
Những hạn chế lớn của giáo dục nghề nghiệp
Theo đánh giá của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH), hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức để có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động năng động, thay đổi nhanh chóng ở Việt Nam cả về quy mô, cơ cấu lẫn chất lượng và hiệu quả.
Hiện cả nước có 1.989 cơ sở GDNN, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp, 997 trung tâm dạy nghề. Giai đoạn 2011-2015, các cơ sở GDNN đã dạy nghề cho hơn 9,1 triệu người đạt 74% so với kế hoạch, trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng đạt 55% kế hoạch; trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng đạt 107% kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị phải làm rõ những bất cập hiện nay trong công tác đào tạo nghề như tình trạng người học xong không có việc làm hoặc công việc không ổn định, thu nhập không tương xứng; DN vẫn thiếu lao động kỹ thuật có chất lượng, thường xuyên phải đào tạo lại…
Các ý kiến, tham luận tại hội nghị tập trung phân tích những hạn chế lớn của hệ thống GDNN hiện nay.
Cụ thể, cơ cấu tuyển sinh GDNN hiện chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 88%); trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 12% so với mục tiêu 22% đặt ra trong Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020.
Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội. Tuyển sinh GDNN khó khăn, đặc biệt là ở những ngành, nghề nặng nhọc độc hại, ngành nghề năng khiếu. Triển khai đào tạo nghề chất lượng cao (phát triển nghề trọng điểm, trường nghề chất lượng cao và thí điểm đào tạo nghề cấp độ quốc tế, khu vực theo chương trình chuyển giao từ nước ngoài…) còn chậm.
Mạng lưới cơ sở GDNN nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chưa quy hoạch tới từng ngành, nghề, cấp trình độ đào tạo. Quy mô đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn nhỏ, chưa có cơ sở GDNN chất lượng cao, đạt đẳng cấp quốc tế.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDNN vừa thiếu số lượng vừa yếu về chất lượng và chưa được quan tâm phát triển đúng mức. Một bộ phận giáo viên có trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ, kỹ năng phát triển chương trình… chưa đáp ứng yêu cầu.
Chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung. Sự kết hợp với các DN, người sử dụng lao động trong xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình chưa chặt chẽ.
Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp…
Công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa làm cho xã hội, nhất là học sinh tốt nghiệp THPT, THCS, thanh niên nhận thức rõ là vào đại học không phải là con đường duy nhất; phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào trường trung cấp, cao đẳng chưa hiệu quả. Việc dự báo nhu cầu nhân lực về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước về GDNN vẫn mang tư duy bao cấp, kế hoạch hóa, chưa đủ sức kiến tạo cho sự phát triển của GDNN.
Bộ LĐTB&XH còn thiếu những chương trình hợp tác sâu rộng đối với đối tác chiến lược trong lĩnh vực GDNN, đặc biệt là những nước có nền GDNN phát triển như Nhật Bản, Anh… Việc công nhận văn bằng chứng chỉ với các nước trong khu vực và quốc tế, quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài còn bất cập, hạn chế.
Sự hài lòng của DN, người học là thước đo cao nhất
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN theo hướng ứng dụng, thực hành, gắn chặt với nhu cầu của thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Tăng cường tính tự chủ và áp dụng cơ chế cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở đào tạo. Lấy sự hài lòng của DN về kiến thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp đối với lao động qua đào tạo và sự hài lòng của người học về việc làm và thu nhập tăng thêm sau đào tạo là thước đo chất lượng, hiệu quả của hệ thống GDNN.
Đây cũng là mục tiêu lớn được nêu trong Đề cương dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” do Tổng cục Dạy nghề xây dựng với 3 nhóm giải pháp và 14 giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế để qua đó, tạo được đột phá về chất lượng GDNN, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao.
Theo hướng này, ngành LĐTB&XH nhấn mạnh yêu cầu đổi mới mạnh mẽ quản lý GDNN theo hướng chú trọng đầu ra, làm tốt khâu kiểm định chất lượng; chăm lo đúng mức công tác xây dựng đội ngũ để có được lực lượng giáo viên và cán bộ quản lý GDNN có kỹ năng tốt, phương pháp tốt và thực sự tâm huyết với nghề nghiệp.
Hệ thống GDNN sẽ được rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại theo hướng tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo; có cơ chế sáp nhập, giải thể những cơ sở đào tạo không tuyển được học sinh, hoạt động không hiệu quả; có cơ chế hợp tác công-tư để đầu tư, khai thác, sử dụng chung cơ sở vật chất, thiết bị, nhà giáo, chương trình, giáo trình… nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng và hiệu quả đầu tư.
Đẩy mạnh thực hiện tự chủ để phát huy tính năng động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các trường về chất lượng, hiệu quả đào tạo; có cơ chế để từng cơ sở đào tạo công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả tuyển sinh, hiệu quả đào tạo của từng ngành, nghề để người dân có thông tin khi đăng ký học nghề, để Nhà nước, DN và xã hội giám sát kết quả, hiệu quả hoạt động.
Các chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo tiếp tục đổi mới theo hướng thực sự thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bám sát và đáp ứng yêu cầu của DN, của thị trường lao động cả trong và ngoài nước, huy động các DN tham gia dạy nghề.
Xây dựng cơ chế định kỳ đối thoại, lắng nghe ý kiến phản hồi của cộng đồng DN về nhu cầu lao động qua GDNN, chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Tập trung nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đặc biệt là nâng cao tay nghề thực hành, tạo cơ chế để thu hút được kỹ sư, công nhân tay nghề cao, nghệ nhân vào làm giáo viên, giảng viên.
Đặc biệt chú trọng hơn nữa giáo dục kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong công tác quản lý và đào tạo, đẩy mạnh hợp tác quốc tế…
Mặt khác, phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu, điều chỉnh cơ cấu đào tạo nhân lực và làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp để làm cơ sở cho đào tạo nghề nghiệp phát triển.
Dự thảo Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đào tạo mới trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 3,2 triệu người; đào tạo trình độ sơ cấp và thường xuyên khoảng 8,8 triệu người; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 6 triệu người lao động.
Hệ thống GDNN có khoảng 70 trường chất lượng cao; hình thành 150 nghề trọng điểm; chuẩn hóa 100% đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế, khu vực ASEAN và chuẩn hóa 70% giáo viên dạy các ngành nghề không được đầu tư trọng điểm; khoảng 70% các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia được xây dựng chương trình đào tạo dựa trên các chuẩn được ban hành; kiểm định chất lượng cho 60% trường cao đẳng, 40% trường trung cấp, 10% trung tâm GDNN và 80% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia…
Ý kiến ()