Đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong ngành giáo dục: Thành tích thực, sức lan tỏa cao
(LSO) – Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về đổi mới công tác thi đua khen thưởng (TĐKT), công tác TĐKT của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn đã đi vào thực chất và có tác dụng thiết thực động viên toàn ngành hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Chống thổi phồng thành tích trong thi đua
Là một ngành có những cuộc vận động, phong trào thi đua lớn như cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… Để các phong trào mang lại kết quả thực chất, ngành đã có hướng dẫn cụ thể tới từng cơ quan quản lý, từng cơ sở GD&ĐT cụ thể hóa những chỉ tiêu sát với từng nhà trường, từng cơ sở GD.
Năm học 2018 – 2019, ngay sau khai giảng, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn công tác thi đua, trong đó chú trọng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị và đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả của phong trào thi đua xây dựng “Trường học công viên”, “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển, giúp đỡ học sinh tiến bộ”. Phối hợp với công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội trong cơ quan, cơ sở, ngành chỉ đạo các nhà trường thực hiện thi đua bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể như: huy động các nguồn lực để khắc phục những yếu kém về cơ sở vật chất (CSVC), xây dựng môi trường GD xanh, sạch, đẹp, an toàn văn minh; chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Học sinh THCS huyện Bình Gia trong giờ thí nghiệm thực hành
Trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị đã bám sát nội dung thi đua, có vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương. Ông Trần Ngọc Ánh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hữu Lũng cho biết: Căn cứ nội dung thi đua, phòng GD&DT đã chỉ đạo các đơn vị phát động, đăng ký, ký giao ước thi đua giữa các khối, các cụm. Hội đồng TĐKT hoạt động có hiệu quả, khách quan; trong bình xét chú trọng các nhân tố mới và những người làm việc trực tiếp để xây dựng điển hình tiên tiến. Vì vậy thành tích của cá nhân, tập thể là thành tích thực gắn với kết quả cụ thể của cá nhân đơn vị.
Lan tỏa những tấm gương điển hình
Trong những năm gần đây, việc “nói không” với bệnh thành tích trong giáo dục đã được nhiều nhà trường và cơ quan quản lý giáo dục thực hiện theo phương châm: dạy thực chất, học thực chất, thi thực chất, kết quả thực chất. Kết quả thực chất đã có sức thuyết phục mạnh mẽ từ những điển hình tiên tiến.
Thầy Nguyễn Quốc Tiệp, giáo viên Trường THCS xã Sơn Hà (Hữu Lũng) với tấm lòng yêu người yêu nghề đã vận dụng công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm trong dạy học; thầy đã đạt giải khuyến khích cấp quốc gia trong dạy tích hợp liên môn. Cô Giang Thị Kim Nhung, tổ trưởng Tổ Hóa – Sinh, Trường THPT Bình Gia có nhiều sáng tạo trong đổi mới các phong trào thi đua, nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, dạy học trải nghiệm, tích hợp liên môn… Thầy Bế Văn Nam, Trường Phổ thông DTBT THCS xã Bắc Xa (Đình Lập) tâm huyết với nghề, tận tụy vì học sinh, nhiệt tình trong phong trào vận động học sinh đến lớp, góp phần nâng cao dân trí ở vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, có định hướng sáng tạo hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài thi NCKH và thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Nói về những gương điển hình tiên tiến của ngành GD&ĐT, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Đó là kết quả của việc đổi mới công tác TĐKT của ngành trong những năm qua. Phát động đúng trọng tâm, phong trào được duy trì, thi đua thực chất đã giúp ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra. Sự thực chất trong thi đua đã tạo ra những tập thể, cá nhân có sức lan tỏa, có tác dụng truyền cảm hứng trong dạy và học.
Ý kiến ()