Ðổi mới công tác tham mưu của các cơ quan Ðảng Trung ương
Ngày 1/7, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo chuyên gia góp phần tổng kết 30 năm đổi mới công tác tham mưu trên lĩnh vực chính trị - tư tưởng, khoa giáo và dân vận.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo – Ảnh: HH |
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực tư tưởng – chính trị, khoa giáo, dân vận; đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học có am hiểu sâu về công tác tham mưu trên từng lĩnh vực.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, chính trị – tư tưởng, khoa giáo, dân vận là những lĩnh vực hoạt động quan trọng của Đảng, đồng thời là những lĩnh vực tham mưu thường xuyên, rất nhạy cảm, phức tạp của các ban, các cơ quan Đảng Trung ương. Hội thảo nhằm cung cấp những luận cứ khoa học, cả về lý luận và thực tiễn trong công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương trên lĩnh vực chính trị – tư tưởng, khoa giáo và dân vận qua 30 năm đổi mới; xây dựng báo cáo tư vấn trình Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới, chuẩn bị các Văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Qua 3 phiên thảo luận theo 3 lĩnh vực: chính trị – tư tưởng, khoa giáo, dân vận, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ những thành tựu, hạn chế, rút ra nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về công tác tham mưu của các Ban Đảng qua 30 năm đổi mới. Các đại biểu khẳng định, công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương ngày càng bám sát, nắm bắt kịp thời, trúng hơn các vấn đề thực tiễn đất nước đặt ra, từ đó kiến nghị, đề xuất, tham mưu để Trung ương ban hành các chủ trương đường lối, nghị quyết… phù hợp, kịp thời với tình hình đất nước. Nhờ đó, các chủ trương đường lối của Trung ương phát huy tác động tích cực, nhanh chóng đi vào cuộc sống, quyết định sự phát triển đất nước bền vững. Phương thức, cách thức tham mưu được đổi mới không ngừng, ngày càng khoa học, bài bản hơn.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác tham mưu chiến lược của Đảng còn bộc lộ một số hạn chế như: công tác tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận chưa ngang tầm, còn nhiều bất cập, lạc hậu. Chất lượng tham mưu còn hạn chế, nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác dự báo tình hình vẫn là khâu yếu, chưa dự báo đúng, trúng để chủ động tham mưu kịp thời vấn đề thực tiễn đặt ra…
Từ những nhận định đó, các đại biểu đã tập trung phân tích, dự báo những nhân tố đang và sẽ tác động đến công tác chính trị – tư tưởng, khoa giáo, dân vận trong những năm tới. Kế thừa, phát triển bài học kinh nghiệm từ 30 năm qua, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, góp phần hoàn thiện đường lối đổi mới. Theo đó, các đại biểu cho rằng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan tham mưu của đội ngũ cán bộ công chức ở các cơ quan tham mưu cấp chiến lược. Các cơ quan tham mưu, cán bộ làm công tác tham mưu phải nắm vững chủ trương, đường lối, chiến lược, chương trình, mục tiêu phát triển của Đảng và Nhà nước để tham mưu đúng và trúng vấn đề; Huy động tối đa, triệt để, hiệu quả sự tham gia, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia ở các cơ quan tham mưu chiến lược; Đổi mới phương thức đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và nâng cao tính hiệu quả, chú trọng biện pháp đấu tranh thích hợp với từng vấn đề cụ thể…
Theo CPV
Ý kiến ()