Đổi mới công tác hướng nghiệp, dạy nghề trong nhà trường
(LSO) – Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các trường tích cực đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề. Từ đó giúp học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và tình hình thực tế.
Hiện nay, giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông được thực hiện thông qua các môn khoa học cơ bản; chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa; môn công nghệ và lao động sản xuất; tham quan, sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn hướng nghiệp. Để nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tích cực đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp, dạy học trải nghiệm, dạy học gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương, dạy học gắn với các di tích lịch sử… một cách thiết thực. Sở cũng hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch cho từng học kỳ và từng đối tượng học sinh; yêu cầu giáo viên soạn bài và dạy kiến thức, kỹ năng qua thực tế, học sinh phải được làm việc, quan sát, trao đổi… thay vì đơn thuần là dẫn học sinh đi thực tế chỉ để tham quan, nghe giới thiệu một chiều.
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc thể hiện năng khiếu làm bánh cuốn Thanh Trì tại ngày hội khởi nghiệp
Cùng với đó, các trường THCS cũng chủ động thành lập ban hướng nghiệp, phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Em Hoàng Văn Khảo, học sinh lớp 12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Cao Lộc cho biết: Được sự định hướng của thầy cô trong những giờ dạy hướng nghiệp, sau khi học hết bậc THCS em đã không thi vào trường THPT mà đăng ký vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc. Với niềm yêu thích cây cảnh, em theo học lớp nghề Bonsai – sinh vật cảnh. Vừa qua, khi được tham dự hội thi tay nghề cấp bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lần thứ I, năm 2020, em đã đoạt giải nhất với tác phẩm “Tiều phu quái tử”. Đó là sự khẳng định cho định hướng học tập mà em đã lựa chọn.
Qua đó có thể thấy, ngay từ cấp THCS, việc hướng nghiệp đã được các nhà trường coi trọng, và thực hiện nghiêm túc nhằm giúp học sinh làm quen, tìm hiểu về một số nghề nghiệp phổ biến trong xã hội, nhìn nhận đúng và một số kỹ năng cơ bản về nghề mà các em lựa chọn. Đồng thời, góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Trong những năm qua, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS và THPT của tỉnh đã đạt được một số kết quả. Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có gần 15% học sinh khối lớp 9 đăng ký tuyển sinh vào các trường nghề, tăng khoảng 6% so với năm học 2019 – 2020.
Cùng với định hướng nghề nghiệp từ bậc THCS, khi học sinh vào học tại các trường THPT việc định hướng và dạy nghề tiếp tục được các nhà trường quan tâm triển khai. Trong đó, các trường chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học…
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 chỉ có 36,7% học sinh khối 12 đăng ký nguyện vọng học tiếp bậc học đại học, cao đẳng (giảm 1,2% so với năm 2019). Trong khi đó, số học sinh lựa chọn chỉ lấy kết quả tốt nghiệp là trên 57%.
Thầy Hoàng Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tràng Định cho biết: Cùng với công tác hướng nghiệp theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, nhà trường thường tổ chức các tiết hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Trong các giai đoạn học sinh chuẩn bị nộp hồ sơ dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, nhà trường càng đẩy mạnh hoạt động này…
Việc từng bước đổi mới công tác trên ở các trường THCS và THPT đã đạt được những kết quả ban đầu. Thông qua đó vừa giúp học sinh trả lời câu hỏi trong giai đoạn hiện nay, những nghề nào đang cần phát triển nhất; thái độ đối với nghề như thế nào là đúng… Qua đó chủ động tìm hiểu năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp của bản thân.
Ý kiến ()