Đổi mới cơ chế tài chính doanh nghiệp nhà nước
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã khẳng định: cùng với nhiều vai trò khác, DNNN là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước (NSNN). Quá trình cơ cấu lại DNNN thời gian qua vẫn đặt ra yêu cầu cần sự nhận thức và hành động rõ nét về các giải pháp tiến hành cơ cấu lại DNNN, trong đó có cơ cấu lại cơ chế tài chính để DNNN đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả.
Là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, trong thực tiễn tại Việt Nam, DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng.
DNNN đóng vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Nhận diện nút thắt “cổ chai”
Đánh giá về quy mô và đóng góp của DNNN, Bộ Tài chính cho biết, DNNN không phải là hình thức doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn nhất (doanh nghiệp dân doanh là khu vực nắm giữ tổng tài sản lớn nhất). Thống kê cho thấy, năm 2018, doanh nghiệp dân doanh có quy mô tổng tài sản cao gấp 9 lần tổng tài sản của DNNN, gấp 34 tổng tài sản của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước; gấp 5 lần tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2019, số so sánh này gấp 10 lần tổng tài sản của DNNN, gấp 38 tổng tài sản của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước.
Không chỉ ở quy mô, mà vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp dân doanh rất lớn: Năm 2018, 2019 gấp 6 lần tổng vốn chủ sở hữu của DNNN, gấp 29 tổng vốn chủ sở hữu của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước; gấp 3 lần tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là khối có đóng góp lớn nhất cho NSNN.
Tiếp đến mới là các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vốn đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế, chính trị, quốc tế khác. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vốn có ưu thế về khoa học kỹ thuật, áp dụng quản lý tiên tiến, được ưu đãi nhiều về cơ chế, chính sách (về thuế, đất đai, lao động…), hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao, tuy nhiên lại chỉ đóng góp vào NSNN chỉ bằng 70% so với DNNN.
Đánh giá về tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính cho thấy, tổng tài sản của các DNNN năm 2019 là 2.992.834 tỷ đồng (chủ yếu là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, chiếm 92%); năm 2020, tổng tài sản là 3.573.698 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của DNNN năm 2019 là 1.425.050 tỷ đồng; năm 2020 là 1.680.303 tỷ đồng. Tuy nhiên, số nợ phải trả năm 2019 là 1.541.996 tỷ đồng, năm 2020 là 1.751.563 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 50% tổng tài sản. Trong khi đó, tổng doanh thu năm 2019 đạt 1.656.124 tỷ đồng, năm 2020 đạt 1.907.645 tỷ đồng. Lãi phát sinh trước thuế năm 2019 là 162.750 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so năm 2018, năm 2020 đạt 157.394 tỷ đồng, giảm 23% so năm 2019.
Đáng chú ý, số nộp NSNN của các DNNN đạt mức cao: Năm 2019 đạt 283.000 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018, nhưng năm 2020 là 300.722 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2019. Bộ Tài chính cũng cho biết, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 12,11%, năm 2019 là 11,42%, năm 2020 giảm còn 9%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản năm 2019 là 5,44%, năm 2020 là 4%.
Nhìn vào tình hình tài chính của các DNNN, có thể thấy, do yêu cầu đặc biệt đối với DNNN nên hầu hết lợi nhuận làm ra đều phần lớn nộp vào NSNN, thực hiện vai trò là doanh nghiệp của Nhà nước, phục vụ sự lãnh đạo của Nhà nước. Năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 110.650 tỷ đồng, nộp NSNN đạt 210.430 tỷ đồng. Năm 2019, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 110.068 tỷ đồng, tổng nộp NSNN đạt 229.422 tỷ đồng. Năm 2020, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 54.600 tỷ đồng, tổng nộp NSNN của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 181.371 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2018 là 1.042.470 tỷ đồng, năm 2019 là 1.086.143 tỷ đồng, năm 2020 là 1.081.078 tỷ đồng.
Do chủ yếu lợi nhuận đã nộp vào NSNN, nên quy mô vốn của DNNN tăng không đáng kể. Tại hầu hết các DNNN đầu tàu, số đã góp vào NSNN đều vượt quá lợi nhuận thu được, như tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), năm 2018 tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ đạt 50.600 tỷ đồng nhưng tổng nộp NSNN đạt 79.579 tỷ đồng; năm 2019 là 86.487/46.942 tỷ đồng, năm 2020 là 55.559/19.860 tỷ đồng. Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2018 là 9.076/25.903 tỷ đồng; năm 2019 là 26.248/12.500 tỷ đồng, năm 2020 là 22.528/15.316 tỷ đồng.
Tại Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2018, tổng nộp NSNN/tổng lợi nhuận trước thuế là 17.828/4.998 tỷ đồng, năm 2019 là 21.114/5.192 tỷ đồng, năm 2020 là 18.487/3.094 tỷ đồng. Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), các số tương ứng là 39.116/5.178 tỷ đồng (năm 2018), 45.011/5.648 tỷ đồng (năm 2019) và 38.620/1.410 tỷ đồng (năm 2020). Hay như tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)-DNNN duy nhất hoạt động trong lĩnh vực vốn cũng có số nộp NSNN cao hơn lợi nhuận thu được trước thuế, như 7.023/10.566 tỷ đồng (năm 2018), 5.383/4.351 tỷ đồng (năm 2019), 7.770/6.624 tỷ đồng (năm 2020).
Để thực hiện được tốt chức năng điều tiết kinh tế, rõ ràng, quy mô của DNNN phải đủ lớn, đặc biệt là quy mô vốn. Đây là yêu cầu bức thiết của các DNNN hiện nay, bởi thực tế thời gian qua cho thấy, do những hạn chế về ngân sách, nhiều DNNN chỉ có thể tăng trưởng dựa trên phần lợi nhuận được giữ lại.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân có thể tăng quy mô rất nhanh nhờ huy động vốn bằng nhiều phương thức, và trong tương lai khu vực tư nhân sẽ ngày càng lớn mạnh, dẫn đến vai trò của DNNN trong việc điều tiết nền kinh tế sẽ giảm dần. Muốn giữ được vai trò điều tiết của DNNN, nhất thiết phải tăng quy mô hoạt động cho DNNN, đặc biệt là quy mô vốn, bởi để thực hiện vai trò dẫn dắt nền kinh tế, DNNN phải luôn luôn đổi mới, dẫn đầu về công nghệ cũng như hiệu quả kinh doanh.
Tăng quy mô vốn-nền tảng để tái cơ cấu thành công
Bàn về những “nút thắt” về cơ chế tài chính cho DNNN, các chuyên gia cho rằng, trong một nền kinh tế thị trường cạnh tranh cao và năng động như hiện nay, việc đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả tại doanh nghiệp chỉ có thể đạt được khi có những khuyến khích thích đáng cho ban điều hành. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Độ (Học viện Tài chính), do sự cứng nhắc về cơ chế quản lý cũng như những áp lực xã hội, DNNN không thể đưa ra những khuyến khích về tiền lương, tỷ lệ phân chia lợi nhuận… mạnh mẽ như các doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, ngay từ trong nhận thức, cần phải hết sức thấu đáo khi bàn và thực hiện đổi mới cơ chế tài chính cho DNNN.
Đó không chỉ là việc giải quyết cơ chế xử lý nợ xấu của các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, hay là sự đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp… mà còn là sự hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát DNNN và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Trong mô hình đó, cần chỉ rõ vị trí, vai trò của DNNN nào có đủ quy mô vốn và năng lực quản lý, có khả năng chống đỡ cho các DNNN khác hoạt động thông suốt, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đó phải là một cơ chế tài chính linh hoạt, chặt chẽ để cho phép DNNN sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước (bao gồm cả tiền vốn và tài sản nhà nước) để mở rộng quy mô vốn cũng như quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng đồng thuận cho rằng, việc cần làm ngay trước mắt là phải hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các thiết chế hiện có để hỗ trợ cơ cấu lại DNNN, như phải nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC), Công ty quản lý tài sản (VAMC) theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật. Đặc biệt, đối với các định chế đặc biệt có nhiệm vụ quan trọng trong quản lý và kinh doanh vốn nhà nước như SCIC, DATC càng cần được tăng cường nguồn lực tài chính để phát huy vai trò là nhà đầu tư chính phủ, phát huy nguồn lực nhà nước.
Đối với các DNNN này, cần nhanh chóng hoàn tất thủ tục ghi nhận vốn điều lệ theo quy định đã ban hành; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hoạt động đầu tư để tạo thêm sức mạnh vốn có của DNNN cầm tiền vốn đầu tư của Nhà nước, từ đó mới đủ tiềm lực để trợ giúp các DNNN khác về dòng vốn sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần minh bạch, rõ ràng mối quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và DNNN, nhất là các quyền và nghĩa vụ phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp cơ chế thị trường. Cần tháo gỡ cơ chế tài chính cho DNNN thông qua cơ chế sử dụng công cụ, tài sản nhà nước, nhất là công cụ, tài sản đất đai, kết cấu hạ tầng, làm rõ đâu là tư liệu sản xuất, đâu là hàng hóa, đưa đất đai, kết cấu hạ tầng thật sự là nguồn lực quan trọng cho quy mô vốn nhà nước của DNNN, đồng thời cũng chống được tham nhũng, chiếm đoạt đất đai, tài sản nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp ■
Ý kiến ()