Ðổi mới cơ chế phân cấp quản lý đầu tư công
Đầu tư công của Việt Nam trong những năm vừa qua đã có những đóng góp rõ rệt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện có không ít vấn đề cần được nghiên cứu, xử lý, như: chính sách đầu tư, cơ cấu đầu tư, cơ chế đấu thầu xây dựng, giám sát và hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công... trong đó nổi bật là cơ chế phân cấp đầu tư công.Một số bất cập trong phân cấp đầu tư côngViệt Nam có 63 tỉnh, thành phố với quy mô dân số và diện tích nhỏ, nhưng quyền tự chủ của địa phương tương đối lớn, nhất là về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, xây dựng các cơ sở hạ tầng trong tỉnh. Hệ quả là Việt Nam đang có tới 63 "nền kinh tế tỉnh, thành phố" và một nền kinh tế toàn quốc; trong đó, tỉnh, thành phố nào cũng phấn đấu trở thành những nền kinh tế công nghiệp - có các khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường đại học, cao đẳng, đài truyền hình và phát thanh...
Một số bất cập trong phân cấp đầu tư công
Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố với quy mô dân số và diện tích nhỏ, nhưng quyền tự chủ của địa phương tương đối lớn, nhất là về quy hoạch phát triển, phân cấp đất, xây dựng các cơ sở hạ tầng trong tỉnh. Hệ quả là Việt Nam đang có tới 63 “nền kinh tế tỉnh, thành phố” và một nền kinh tế toàn quốc; trong đó, tỉnh, thành phố nào cũng phấn đấu trở thành những nền kinh tế công nghiệp – có các khu cụm công nghiệp, có sân bay, bến cảng, trường đại học, cao đẳng, đài truyền hình và phát thanh riêng…
Từ năm 2006 đến nay, phần lớn dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương – hệ quả là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn, quản lý, điều chỉnh vĩ mô trong đầu tư công đã bị buông lỏng, các dự án do các địa phương quyết định quá nhiều, nhưng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn hẹp và bị dàn trải. Không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, kéo dài thời gian kết thúc, chậm đưa vào sử dụng, do vậy hiệu quả ngày càng bị giảm. Ngoài ra, tính bình quân trong phân bổ vốn ngân sách đã hạn chế khả năng tập trung vốn đầu tư vào những vùng có lợi thế địa kinh tế cao, khả năng sinh lời lớn, hạn chế hiệu quả của đầu tư công. Chẳng hạn hai tuyến phát triển Hà Nội – Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh – Vũng Tàu đã tập trung tới gần 80% giá trị sản lượng công nghiệp cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao… Ngoài ra, thực tế và quy định pháp lý cho thấy, các thể chế về quản lý đầu tư và huy động sử dụng vốn, về thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mới, mở thêm ngành nghề kinh doanh, tuyển chọn và sử dụng cán bộ quản lý DNNN nói chung còn nhiều bất cập, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu chưa đủ rõ, còn nhiều sơ hở. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN đã không đi kèm với hoàn thiện cơ chế thẩm định, kiểm tra, giám sát, quản lý tài chính nội bộ chặt chẽ, hiệu quả. Các bộ chức năng quản lý ngành chưa có cơ chế hữu hiệu để quản lý các tập đoàn và DNNN. Các DNNN có cơ quan quản lý cấp trên là các bộ, ngành, nhưng dường như chính các bộ, ngành lại bị các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chi phối.
Những đặc điểm trên đây của đầu tư công đã dẫn đến những hệ lụy: Nhiều dự án dù đã hoàn thành, nhưng hiệu năng sử dụng thấp, nhiều cảng được xây dựng với công suất bốc dỡ lớn, nhưng không có hàng; một số sân bay ít khách; nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế có diện tích lấp đầy thấp; tình trạng tham nhũng trong đầu tư công chưa có giải pháp hạn chế hữu hiệu. Các nhà thầu nước ngoài chiếm phần lớn các dự án đầu tư công, đẩy các nhà thầu Việt Nam dù có năng lực cũng thành nhà thầu phụ. Hiệu quả đầu tư công thấp, thúc đẩy lạm phát cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tăng cao.
Định hướng đổi mới phân cấp đầu tư công
Cần có sự nghiên cứu sâu sắc và khoa học vấn đề đổi mới phân cấp quản lý đầu tư công và trên cơ sở đó mới có thể có những đề xuất giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, một số giải pháp sau đây cần sớm được triển khai:
Thứ nhất, đổi mới việc quản lý các vùng kinh tế: Các vùng kinh tế của Việt Nam dường như chưa có quy hoạch vùng, mà chỉ có quy hoạch của các tỉnh cộng lại. Kết cấu hạ tầng bất cập. Đô thị hóa của vùng cũng dường như chưa có quy hoạch vùng, mà chỉ có quy hoạch của các tỉnh cộng lại. Ban chỉ đạo vùng hoạt động có tính hình thức. Liên kết hợp tác giữa các tỉnh yếu kém, cạnh tranh mạnh hơn. Tầm nhìn trong phát triển ngắn hạn.
Thực tế phát triển của thế giới cho thấy, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội phải đi theo tuyến và vùng phát triển liên hoàn mới có hiệu quả chứ không phải tỉnh đơn lẻ nhỏ bé. Ở các nước phát triển, một tuyến phát triển phải có đường sắt tốc độ cao (dưới 250 km/giờ), đường bộ cao tốc, vận tải hàng không… Trên một tuyến phát triển phải có một cửa mở với thế giới bên ngoài để thu hút các nguồn lực của quốc tế. Hai hoặc ba tuyến phát triển tạo thành một vùng phát triển. Việt Nam chưa có vùng nào được xây dựng theo mô hình này.
Các đô thị hiện đại đang được quy hoạch phải tính đến tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng theo hướng hình thành các chùm đô thị. Các chùm đô thị này có đường kính khoảng 100 km, và phải bảo đảm cho mọi người dân trong phạm vi chùm đô thị có thể đi làm việc bất cứ đâu một cách thuận tiện. Các chùm đô thị thường đi theo hướng phát triển ra các cảng biển theo tuyến phát triển; vì các đô thị thường phải có phát triển công nghiệp và thương mại, nếu phát triển lên núi thì sẽ kém hiệu quả.
Thực tiễn trong nước và thế giới cho thấy, để bảo đảm cho đầu tư công có được hiệu quả cao và có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy đầu tư tư nhân phát triển, cần chú ý một số nguyên tắc sau:
Phải thực hiện quy hoạch vùng phát triển trước, từ quy hoạch vùng mà tính tới quy hoạch phát triển các tỉnh, chứ không phải ngược lại như hiện nay. Mỗi một vùng kinh tế phải tính tới những tuyến phát triển, chẳng hạn vùng đồng bằng sông Hồng có thể xây dựng một tuyến phát triển từ Hà Nội đi Hải Phòng, lấy khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (cần hiện đại hóa) làm cửa mở, cải tạo cảng Lạch Duyên thành cảng nước sâu, xây dựng đường sắt tốc độ cao (250 km/giờ), đường bộ cao tốc, đường sông hiện đại từ Hà Nội đi Hải Phòng;
Các vùng kinh tế Việt Nam cũng phải thực hiện đô thị hóa với tầm nhìn thế kỷ. Chẳng hạn vùng đồng bằng sông Hồng có thể xây dựng một chùm đô thị Hà Nội – Hải Phòng – Nam Định, chùm đô thị này có đường kính khoảng 100 km, có cảng Hải Phòng làm cửa mở. Nếu xây dựng ba tuyến đường sắt tốc độ cao và đường bộ cao tốc từ Hà Nội đi Hải Phòng và Hải Phòng đi Nam Định, từ Nam Định đi Hà Nội, thì chùm đô thị này sẽ thật sự có sức hấp dẫn, có sức chứa hàng chục triệu dân, tạo ra một chùm đô thị phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ… rất có hiệu quả. Các khu công nghiệp liên hoàn, các trường đại học, các trung tâm thương mại… sẽ hội tụ tại các đô thị trên các tuyến phát triển đó. Xây dựng một cấp quản lý vùng có quyền quyết định quy hoạch phát triển vùng, quyết định quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch và xây dựng các đô thị, quyết định quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp và các trường đại học.
Thứ hai, thúc đẩy tái cấu trúc và đổi mới cơ chế quản lý DNNN:
Quá trình đổi mới này không chỉ theo hướng tiết kiệm chi tiêu, không kinh doanh các lĩnh vực ngoài ngành được giao…; mà quan trọng hơn là phải giảm tỷ trọng của khu vực DNNN từ 28% GDP hiện nay xuống khoảng 15% GDP, và thực hiện quản trị doanh nghiệp theo chế độ quản lý xí nghiệp hiện đại của OECD, giao việc chỉ đạo các tập đoàn kinh tế cho các bộ, ngành quản lý.
Thứ ba, ban hành Luật Đầu tư công:
Cần nghiên cứu các Luật Đầu tư của Xin-ga-po, Hàn Quốc, một số nước tiên tiến khác để từ đó soạn thảo và sớm ban hành Luật Đầu tư công theo hướng hiện đại và phù hợp thông lệ quốc tế. Sửa đổi các Luật liên quan đầu tư công như: Đấu thầu, Xây dựng, Ngân sách, Đất đai, Phòng chống tham nhũng, v.v. theo tinh thần của Luật Đầu tư công sẽ được soạn thảo…
Theo Nhandan
Ý kiến ()