Ðổi mới cơ chế phân cấp quản lý đầu tư
Cơ chế phân cấp quản lý đầu tư thời gian qua đã đem lại sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong việc thu hút và sử dụng các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc phân cấp quá rộng trong khi lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực. Chính vì vậy, quá trình tái cấu trúc đầu tư công đặt ra yêu cầu cấp bách phải thay đổi thể chế đầu tư công, nhất là cơ chế phân cấp quản lý đầu tư.Quyết định đầu tư tách rời bố trí vốnTính đến tháng 2-2012, có 267 khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, như vậy, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có bốn KCN. Hay cả nước hiện có 440 trường đại học và cao đẳng, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có bảy trường đại học, cao đẳng, TSKH Võ Đại Lược (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) lấy một trong những dẫn chứng về...
Quyết định đầu tư tách rời bố trí vốn
Tính đến tháng 2-2012, có 267 khu công nghiệp (KCN) trên cả nước, như vậy, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có bốn KCN. Hay cả nước hiện có 440 trường đại học và cao đẳng, bình quân mỗi tỉnh, thành phố có bảy trường đại học, cao đẳng, TSKH Võ Đại Lược (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) lấy một trong những dẫn chứng về tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực ở các địa phương hiện nay. Từ năm 2006 đến nay, với cơ chế phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, các dự án do các địa phương quyết định quá nhiều, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lại hạn hẹp, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, không ít dự án bị thiếu vốn, thực hiện cầm chừng, chậm đưa vào sử dụng, gây lãng phí, thất thoát, hiệu quả đầu tư thấp.
Nhìn nhận việc thực hiện cơ chế phân cấp quản lý đầu tư giữa trung ương, các ngành và địa phương, TS Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng, nếu như trước năm 2003, tất cả các dự án đầu tư được quyết định ở cấp Trung ương, thì từ năm 2003 đến 2006, đã có sự phân cấp quản lý đầu tư theo quy mô và tính chất của dự án và từ năm 2006 đến nay, phần lớn các dự án đầu tư đều được phân cấp cho các ngành và địa phương quản lý. Phân cấp quản lý đầu tư là cần thiết, song cần ở mức độ hợp lý và theo cách thức thích hợp. Một bất cập trong cơ chế phân cấp hiện hành chính là việc quyết định đầu tư tách rời với việc bố trí vốn cho những dự án được quyết định đầu tư. Hiện tại có một quy trình “ngược” khi phân cấp là các ngành và địa phương quyết định dự án đầu tư nhưng về vốn đều ghi là “nguồn vốn từ ngân sách” và xin vốn từ Trung ương. Thực tế cho thấy, rất nhiều dự án được các địa phương quyết định đầu tư nhưng đều lâm vào tình trạng thiếu vốn, thực hiện cầm chừng chờ “chạy vốn”. Đồng thời cũng diễn ra tình trạng “chạy vốn cho dự án” một cách quyết liệt giữa các địa phương, chưa kể việc phê duyệt cấp vốn, cho vay vốn một cách chủ quan của các cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo TS Vũ Tuấn Anh, việc giao gần như toàn quyền cho các địa phương thẩm định, quyết định dự án đầu tư trong khi công tác giám sát, quản lý của các cơ quan trung ương chỉ mang tính hành chính đơn thuần đã làm cho những quyết định đầu tư tùy tiện của nhiều địa phương không được nắm bắt và uốn nắn kịp thời. Các bộ quản lý ngành và các bộ chức năng chưa thực hiện tốt việc tham mưu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn có hiệu quả những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn…
TS Lê Đăng Doanh phân tích, sự kém hiệu quả của đầu tư công nằm chính ở khâu quy hoạch, kế hoạch, quy trình quyết định đầu tư, tức là ở thể chế và bộ máy quản lý. Nếu không có sự thay đổi trong thể chế và bộ máy, rất khó có thể tái cấu trúc đầu tư công.
Nâng cao chất lượng phân cấp quản lý đầu tư
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành Luật Đầu tư công, Luật Mua sắm công cho nên việc quản lý nguồn vốn đầu tư công còn nhiều sơ hở, dẫn đến tình trạng tham ô, lãng phí… Chính vì vậy, cần nhanh chóng ban hành hai luật này đồng thời sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan như: Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… Một khung pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng chính là điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Theo TS Lê Đăng Doanh, việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư công phải gắn liền với cải cách luật pháp, thể chế. Thay đổi cơ chế quản lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật phải vừa bảo đảm tính thống nhất quản lý của trung ương vừa bảo đảm tính tự chủ, sáng tạo của chính quyền địa phương trong thực hiện đầu tư công.
Phân cấp quản lý đầu tư là một chủ trương đúng đắn, tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng nhiều công trình, dự án. Nhưng thực tế, việc triển khai cơ chế này trong những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Khắc phục tình trạng “địa phương cứ duyệt dự án còn trung ương phải lo vốn”, cơ chế phân cấp quản lý đầu tư cần được thực hiện theo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư nếu bố trí được vốn. Bên cạnh đó, cần thực hiện cơ chế này theo hướng công khai, minh bạch. Tăng cường chế độ tự chịu trách nhiệm, trách nhiệm cá nhân trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư từ lập, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện, nghiệm thu… các công trình, dự án.
Ngoài ra, thực hiện phân cấp mạnh mẽ cả trong công tác theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát quản lý đầu tư công. Phân cấp mạnh mẽ nhưng phải đi kèm các biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng bộ, nhất là tăng cường thẩm quyền và năng lực của hệ thống giám sát nhà nước đối với đầu tư công. TS Vũ Tuấn Anh cho rằng, cần thiết lập hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, trên cơ sở đó thực hiện công khai hóa thông tin về toàn bộ hoạt động đầu tư của nhà nước nói chung, danh mục cụ thể các chương trình, dự án đầu tư công ở tất cả các ngành, các địa phương nói riêng. Như vậy, quá trình đầu tư công sẽ đặt dưới sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước mà của cả cộng đồng như các cơ quan dân cử, tổ chức ngành nghề, báo chí và công luận.
Với cơ chế phân cấp đầu tư mạnh mẽ cho các địa phương thì đồng thời với việc trao quyền, cần có giải pháp nhanh chóng nâng cao năng lực cho các đơn vị này, nhất là các cấp chính quyền huyện, xã. Năng lực quản lý yếu kém của bộ máy vốn là mối đe dọa nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư công. Phân cấp phải phù hợp năng lực quản lý của các cấp địa phương thì mới phát huy được hiệu quả của cơ chế phân cấp quản lý đầu tư.
Theo Nhandan
Ý kiến ()