Đổi mới cách thức nâng cao hiệu quả công tác dân vận
–Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” (Nghị quyết 25), đến nay, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đổi mới, hướng về cơ sở, huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế – xã hội.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 25, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường vào cuộc, lãnh đạo sát sao công tác dân vận. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 25, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các đề án, chỉ thị, nghị quyết, văn bản để tổ chức triển khai.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận
Đồng chí Giáp Thị Bắc, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Để đảm bảo sự lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu BTV Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp chủ động vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác dân vận đảm bảo sát thực tế; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cùng đó, tăng cường công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp; gắn công tác vận động, tuyên truyền với tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quan tâm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở…
Trên cơ sở đó, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã chú trọng lãnh đạo công tác dân vận. Từ năm 2013 đến nay, cấp ủy cấp huyện, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã ban hành trên 100 chương trình hành động, hơn 500 kế hoạch để cụ thể hóa triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác dân vận với phương châm “hướng về cơ sở”, bám sát nhu cầu thực tiễn và nguyện vọng chính đáng; nội dung công tác dân vận tập trung vào những vấn đề cụ thể như: giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội…
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy, Ủy ban MTTQ huyện Bắc Sơn tuyên truyền chính sách pháp luật đến người dân
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tràng Định cho biết: Ngày 11/9/2013, BTV Huyện ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 60-CTr/HU về thực hiện Nghị quyết 25. BTV Huyện ủy cũng xây dựng, ban hành và triển khai các kế hoạch thực hiện công tác dân vận, các văn bản hướng dẫn của cấp trên đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời chỉ đạo thực hiện những nội dung mang tính trọng tâm, trọng điểm trong công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác dân vận.
Hướng về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân
Để công tác dân vận ngày càng phát huy hiệu quả, các cấp, ngành liên quan đã từng bước đổi mới công tác này. Sự đổi mới được thể hiện rõ nét trong hoạt động của các cơ quan chính quyền các cấp; phương thức hoạt động của ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội và trong xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận…
Cụ thể là HĐND các cấp có nhiều đổi mới trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; hoạt động tiếp xúc cử tri của các tổ đại biểu HĐND các cấp đã thực hiện theo hướng đổi mới, đa dạng các loại hình tiếp xúc hướng về cơ sở, thôn, tổ dân phố, cơ quan, theo chuyên đề… Từ năm 2013 đến nay, HĐND các cấp đã tiếp xúc cử tri được hơn 5.300 buổi với 350.000 người tham gia. Các cuộc tiếp xúc đảm bảo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, bình đẳng, công khai, thẳng thắn giữa cử tri, công dân và đại biểu. Qua tiếp xúc đã thu thập được nhiều ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Cùng đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành Đề án 01 ngày 24/4/2019 về xây dựng mô hình điểm Chính quyền thân thiện cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh. Đề án đã cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp, đưa ra các tiêu chí cơ bản để xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện”. Theo đó, mỗi huyện, thành phố thành lập ban chỉ đạo xây dựng mô hình chính quyền thân thiện và lựa chọn 1 – 2 đơn vị cấp xã thực hiện thí điểm mô hình. Đến nay, toàn tỉnh có 166/200 xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng mô hình (đạt 83%); gần 94% đơn vị niêm yết lịch tiếp công dân, 100% chính quyền cấp huyện, cấp xã niêm yết công khai thủ tục hành chính…
Ông Bùi Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” cấp huyện cho biết: Từ mô hình điểm “Chính quyền thân thiện” đầu tiên tại xã Yên Thịnh năm 2019, Ban Chỉ đạo cấp huyện đã tiến hành đánh giá kết quả thực hiện ở mô hình điểm, xây dựng kế hoạch nhân rộng ra các đơn vị khác. Đến nay, mô hình được triển khai đồng loạt tại 24/24 xã, thị trấn, tạo bước chuyển rõ nét trong việc phục vụ Nhân dân. Qua khảo sát, toàn huyện có 98,7% người dân cảm thấy hài lòng khi đến giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị chú trọng huy động nguồn lực để xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”. Từ năm 2021 đến 2023, toàn tỉnh có gần 1.300 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện và có 1.145 mô hình được công nhận, mang lại hiệu quả rõ nét trên mọi mặt đời sống xã hội. Các mô hình đã góp phần khơi dậy tiềm năng, phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế – xã hội.
Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia; 93,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 80,2% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; ước 97,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Chất lượng giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét, toàn tỉnh đã có 275 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm giảm 3,14%, ước tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 5,92%… |
Điểm nhấn nổi bật qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 25 tại Lạng Sơn là công tác dân vận được đổi mới hướng về cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực. Cụ thể là từ năm 2013 đến nay, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đã tham gia trên 1.600 cuộc đối thoạivới Nhân dân. Qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp đã giải quyết được trên 80% ý kiến của người dân. Qua đó tạo niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền, sự đồng thuận, thống nhất cao trong triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chị Hoàng Thị Thu Hà, thôn Nà Canh, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng cho biết: Tham gia hội nghị đối thoại trực tiếp với Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện diễn ra trong tháng 11/2022, chúng tôi rất phấn khởi. Tại hội nghị, tôi nêu ý kiến về tuyến đường huyện 89 đi qua địa bàn xã Bằng Mạc – Bằng Hữu xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, kiến nghị các cấp, ngành chức năng đầu tư nâng cấp để đảm bảo đi lại cho Nhân dân. Ý kiến đã được trả lời thỏa đáng, đến cuối năm 2022, tuyến đường được cải tạo sửa chữa với tổng số gần 3km trên địa bàn hai xã Bằng Mạc, Bằng Hữu. Nhờ đó chúng tôi đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.
Cử tri xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, huyện trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2023
Có thể nói, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đem lại hiệu quả rõ nét, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Từ đó, người dân luôn đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, yên tâm lao động sản xuất, kinh doanh, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng.
THANH MAI - DƯƠNG DUYÊN
Ý kiến ()