Ðổi mới cách dạy và học môn Ngữ văn
Phát huy năng lực người học
Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hiền, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD và ÐT cho biết: Từ trước tới nay, các đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đề thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng phần lớn được ra theo dạng “đề đóng”. Các câu hỏi đánh giá học sinh (HS) chủ yếu ở hai mức nhận biết và thông hiểu. Ðể làm bài, HS thường phải ghi nhớ máy móc nội dung bài học. Bên cạnh đó, đáp án của đề thi đưa ra hệ thống ý, yêu cầu HS phải trình bày cùng với biểu điểm quá cụ thể, chi tiết theo lối áp đặt. Với cách làm này, nếu HS không làm đúng như đáp án sẽ không có điểm hoặc đạt điểm thấp. Do vậy, các đề thi chưa đánh giá được toàn diện năng lực Ngữ văn của người học, chưa khuyến khích được sự sáng tạo của HS khi làm bài, ảnh hưởng không nhỏ tới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng như phương pháp dạy học trong các trường phổ thông.
PGS, TS Ðỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ GD và ÐT cho biết: Năng lực là khái niệm then chốt chi phối việc đổi mới căn bản chương trình giáo dục mới. Chương trình giáo dục những năm gần đây được nhiều nước quan tâm là năng lực chung và năng lực cốt lõi. Ðây là hai loại năng lực mà bất kỳ HS nào cũng cần để hình thành và phát triển. Năng lực Ngữ văn gồm hai năng lực bộ phận là năng lực tiếp nhận văn bản và năng lực tạo lập văn bản (trong đó có các yêu cầu về năng lực đọc hiểu và năng lực viết). Văn bản ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng. Ðó không chỉ là các tác phẩm thơ, văn nghệ thuật mà còn là các loại văn bản không phải văn chương như: Văn bản viết về Lịch sử, Ðịa lý, Toán học, Sinh học hoặc một lá đơn xin việc. Do đó, bên cạnh việc yêu cầu HS đọc hiểu một đoạn văn, bài thơ, nhà trường cần dạy và yêu cầu các em biết đọc hiểu các loại văn bản thông tin, trong đó có rất nhiều văn bản kết hợp kênh chữ, kênh hình để hiểu đúng ý nghĩa văn bản.
Mục tiêu của đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực cần xác định được khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức của HS.
Ðổi mới đề thi theo hướng “mở”
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ vừa có hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đối với môn Ngữ văn. Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn sẽ được tiến hành theo lộ trình từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, từ hẹp đến rộng, từ kiến thức của một vài môn đến tổng hợp liên môn, nhiều lĩnh vực…, tiếp cận dần đến việc đổi mới hoàn toàn theo chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015.
Trước mắt, Bộ đề nghị các Sở GD và ÐT, các trường THPT thực hiện theo hướng đánh giá năng lực HS nhưng ở mức độ phù hợp. Cụ thể là tập trung đánh giá hai kỹ năng quan trọng, gồm: Kỹ năng đọc hiểu văn bản và kỹ năng viết văn bản. Ðề thi tốt nghiệp năm nay gồm hai phần: Ðọc hiểu và làm văn, trong đó tỷ lệ điểm của phần viết văn nhiều hơn phần đọc hiểu. Ðể làm tốt phần đọc hiểu, giáo viên cần giúp HS nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về đọc hiểu; xây dựng các loại câu hỏi và hướng dẫn chấm điểm một cách phù hợp với mục đích và đối tượng HS.
Các câu hỏi phần đọc hiểu tập trung vào một số khía cạnh như: Nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản; những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản; một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.
Ðể làm tốt phần thi viết, giáo viên cần hướng dẫn HS biết vận dụng những kỹ năng viết đã học để tạo lập văn bản về một đề tài xã hội hoặc tác phẩm, trích đoạn văn học nào đó theo hướng “mở” và tích hợp trong môn và liên môn, tập trung vào một số khía cạnh như: Tri thức về văn bản viết (kiểu loại văn bản, cấu trúc văn bản, quá trình viết), nhận thức đúng nhiệm vụ và yêu cầu của đề văn; các kỹ năng viết (đúng chính tả; ngữ pháp, viết theo phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng từ và cấu trúc ngữ pháp trong bài viết; lập dàn ý và phát triển ý; bộc lộ quan điểm, tư duy một cách độc lập…); khả năng viết các loại văn bản phù hợp với mục đích, đối tượng, hoàn cảnh của các tình huống khác nhau (vận dụng vào thực tiễn học tập và đời sống).
Về viết nghị luận văn học, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm hoặc trích đoạn nêu trong chương trình và sách giáo khoa nhưng cần đổi mới cách hỏi, cách nêu vấn đề nhằm khắc phục hiện tượng học tủ, học thuộc văn mẫu, sao chép y nguyên tài liệu. Bài viết của HS được đánh giá dựa vào chuẩn kỹ năng viết nói chung và chuẩn kỹ năng viết kiểu văn bản nói riêng mà đề bài yêu cầu, phù hợp với các giá trị nhân văn, những chuẩn mực đạo đức và pháp luật; không áp đặt nội dung chi tiết cần đạt.
Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc… Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.
Ý kiến ()