Đổi mới cách dạy môn Văn, Sử về cả lượng và chất
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết việc đổi mới môn Lịch sử, Ngữ văn sẽ cần sâu hơn, toàn diện hơn.
Ngày 15/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, môn Lịch sử ở trường phổ thông.
Tại Hội thảo các đại biểu tham dự cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng dạy học môn Lịch sử, Ngữ văn hiện nay ở trường phổ thông. Để rồi từ đó, thầy cô sẽ đề xuất các giải pháp đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học, kiểm tra đánh giá với môn Lịch sử và Ngữ văn ở trường phổ thông.
Thay đổi về lượng và chất
Kể từ khi Nghị quyết 29 ra đời, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành thì vấn đề đổi mới giáo dục mang tính tổng thể, toàn diện. Có thể nói khung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kịch bản đổi mới tổng thể, bài bản nhất từ trước đến nay, khung cho toàn bộ sự đổi mới. Việc đổi mới từng môn học, từng nội dung, phương pháp, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá sẽ dẫn đến sự thay đổi về lượng và chất.
Các môn học cần có sự đổi mới, nhưng môn Lịch sử, Ngữ văn là những môn Khoa học xã hội nhân văn, quan trọng, cần ưu tiên làm trước.
Tập trung nâng cao chất lượng
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong dạy môn Lịch sử và Ngữ văn. Với môn Lịch sử, nhiều thầy cô cho biết còn ôm đồm nhiều kiến thức, dạy chuỗi dài các sự kiện khiến học sinh không mấy hứng thú. Hay như môn Ngữ văn, tình trạng dạy theo lối mòn truyền thống, truyền thụ kiến thức một chiều, ngại đổi mới vẫn còn.
Bên cạnh đó, quá trình đào tạo sinh viên sư phạm nhiều năm gần đây còn bất cập khi chất lượng đầu vào chưa cao, chương trình đào tạo chưa bắt nhịp đổi mới. Từ đó, giải pháp là cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường cơ sở vật chất, giảm tải các tiêu chí đánh giá xếp loại viên chức và chuẩn nghề nghiệp thay vào đó tập trung cho chuyên môn để nâng cao chất lượng.
Ý kiến ()