Đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía
LSO-Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) gồm nhiều khâu bắt buộc. Muốn thực hiện tốt đòi hỏi có sự vào cuộc tích cực của toàn bộ hệ thống hành chính, trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC) đến tổ chức, cá nhân tham gia vào TTHC.
Cán bộ đoàn công tác của tỉnh kiểm tra niêm yết TTHC tại Sở Thông tin và Truyền thông |
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: Chung tay cải cách TTHC không thể thiếu sự tham gia của toàn xã hội. Bởi cơ quan hành chính liên quan trực tiếp đến các khâu: soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), đánh giá tác động quy định hành chính, niêm yết công khai TTHC. CBCC là nhân tố quyết định trong thực hiện các khâu. Tổ chức, người dân đóng vai trò không thể thiếu bởi họ là người phát hiện, phản ánh những bất cập về quy định hành chính cũng như giám sát việc thực thi TTHC.
Những năm qua, kết quả xếp loại cải cách hành chính (CCHC) của Lạng Sơn đạt thấp. Năm 2016, Lạng Sơn xếp thứ 52/63 tỉnh, thành về chỉ số CCHC. Không thể phủ nhận công tác kiểm soát TTHC còn bộc lộ những hạn chế nhất định dẫn đến chỉ số CCHC đạt thấp.
Trước hết phải kể đến việc rà soát đánh giá quy định TTHC chưa được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát TTHC một cách cụ thể. Riêng năm nay, UBND tỉnh lựa chọn rà soát 74 TTHC trọng tâm và yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải hoàn thành và báo cáo kết quả rà soát trước ngày 15/7; yêu cầu dự thảo báo cáo đơn giản hóa TTHC trình UBND tỉnh trong tháng 9/2017. Vậy mà cho đến nay, sau rà soát chỉ có 5/74 thủ tục được đề nghị cắt giảm thời gian thực hiện. Một số cơ quan, đơn vị cũng chưa hoàn chỉnh báo cáo làm cho tiến độ xây dựng dự thảo báo cáo đơn giản hóa TTHC trên địa bàn tỉnh cũng bị chậm gần 2 tháng nay. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu cho biết thêm: Công tác rà soát đơn giản hóa TTHC chưa được các cơ quan, đơn vị hành chính và CBCC liên quan làm hết trách nhiệm. Nếu mỗi CBCC làm hết trách nhiệm, bỏ ra mỗi giờ lao động dành cho việc rà soát, đánh giá quy định TTHC sẽ giúp doanh nghiệp, người dân cắt giảm hàng vạn giờ và những chi phí không cần thiết khi thực hiện TTHC.
Niêm yết, công khai, minh bạch TTHC cũng là một điều đáng bàn. Hiện Lạng Sơn có trên 1.800 TTHC được công bố chuẩn hóa. Tuy nhiên, số được niêm yết chỉ chiếm 1/2 – 2/3 con số đó. Tại nhiều trụ sở hành chính, bảng niêm yết còn cũ, hỏng, không đúng quy cách cả về nội dung lẫn hình thức. Điểm qua có thể kể tên như tại các xã: Nam La, Hoàng Việt, Bắc La (Văn Lãng); Quan Bản (Lộc Bình)… Ông Hoàng Minh Tuyền, Phó trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho rằng: Công khai quy định TTHC được thực hiện trên nguyên tắc đầy đủ, thường xuyên, rõ ràng, dễ tiếp nhận và được thực hiện trên nhiều phương tiện. Thực tế đã phát sinh một số trường hợp lợi dụng sự mập mờ công khai quy định TTHC để gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Không phải chỉ ở phía các cơ quan, CBCC nhà nước, yếu tố quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kiểm soát TTHC là người dân, doanh nghiệp. Những đối tượng này có quyền giám sát quy trình giải quyết TTHC; phát hiện và phản ánh những quy định bất hợp lý của TTHC hoặc phản ánh những trường hợp bị gây khó khi giải quyết TTHC, trả kết quả chậm hẹn… đến cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng. Do thiếu thông tin, chưa nắm rõ hết các quy định hoặc có tâm lý ngại va chạm, các doanh nghiệp, người dân trong tỉnh chưa phát huy hết quyền của mình. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh mới tiếp nhận được 8 phản ánh kiến nghị của người dân về quy định TTHC. Con số này không phản ánh hết thực tế những bất cập khi giải quyết TTHC hiện nay.
“Huy động toàn xã hội tham gia vào quy trình kiểm soát TTHC để thực hiện tốt mục tiêu cải cách TTHC, bảo đảm nguyên tắc chỉ ban hành và duy trì các TTHC thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất”. Đó là thông điệp của Chính phủ đưa ra đối với hoạt động kiểm soát TTHC. Như vậy có thể thấy, sự tham gia của toàn xã hội vào hoạt động kiểm soát TTHC có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong cải cách TTHC, cải cách hành chính.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()