Dồi dào đơn hàng nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn bộn bề nỗi lo
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu dệt may ghi nhận nhiều cơ hội phục hồi khi đơn hàng đã quay trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) dệt may đang phải đối mặt với nỗi lo mới, đó là nguy cơ đứt gãy sản xuất khi tình hình dịch Covid-19 xuất hiện ở các khu công nghiệp lớn tập trung nhiều công nhân.
Đơn hàng phủ kín nhiều doanh nghiệp
Khác với sự thiếu hụt các đơn hàng trong năm 2020, năm nay, nhiều DN dệt may đang quay lại guồng sản xuất khi đơn hàng tăng trở lại. Chia sẻ tin vui này, Giám đốc Công ty Cổ phần May xuất khẩu Ninh Bình-bà Phạm Thị Lan Hương cho biết, vào quý I-2021, công ty còn ít đơn hàng, nhưng đến quý II-2021, đơn hàng dồn dập đến khiến lượng hàng DN có đủ để sản xuất tới tháng 9-2021. Do đó, DN đang tận dụng lượng đơn hàng đang có xu hướng nhiều lên để tập trung sản xuất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Xu hướng tăng trưởng tích cực cũng đang hiện hữu tại các DN của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex, nhiều đơn vị có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV. Ngành dệt may có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn so với năm 2020, đưa trở lại mức trước khi có đại dịch Covid-19 của năm 2019.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Một thành viên Dệt kim Đông Xuân. |
Thông tin về những tín hiệu khởi sắc của ngành dệt may, Bộ Công Thương cho biết, một số thị trường xuất khẩu chính của ngành dần hồi phục. Nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép của người Mỹ và châu Âu tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. Tại thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhiều DN đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Đề nghị ưu tiên vaccine Covid-19 cho lao động dệt may
Ngành dệt may là một trong những ngành chủ lực đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho gần 3 triệu lao động. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm an toàn của người lao động (NLĐ), bảo đảm chuỗi sản xuất được các DN dệt may đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ thêm về điều này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, nếu DN phải thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 đến 21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. DN đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, NLĐ mất việc, không còn thu nhập. “Hiện nay, các DN đã ký kết đơn hàng, nhiều DN đã ký đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, ưu tiên cho các DN được mua vaccine tiêm cho NLĐ theo chủ trương xã hội hóa để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng.
Nhấn mạnh, hiện nay việc tổ chức sản xuất ổn định, bảo đảm thời gian giao hàng của khách là ưu tiên số một của DN, theo ông Lê Tiến Trường, lúc này đối với DN dệt may, lo nhất là bị cách ly, giãn cách kể cả ở khu không có DN trú đóng nhưng có NLĐ ở, khiến cho NLĐ không có điều kiện để đến làm việc. Do vậy, đại diện Vinatex mong muốn NLĐ ngành dệt may được ưu tiên tiếp cận tiêm vaccine, nhất là các DN nằm ở các địa bàn “nóng” như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Về kinh phí tiêm vaccine phòng Covid-19, ông Lê Tiến Trường cho biết: “DN thuộc Vinatex sẵn sàng chịu mọi chi phí để tiêm vaccine cho NLĐ của mình. Vinatex có khoảng 150.000 lao động. Để tiêm vaccine cho NLĐ, các DN của Vinatex cần dành nguồn kinh phí khoảng 100-200 tỷ đồng”.
Ý kiến ()