Những kỷ vật còn mãi với thời gian
- Đội Cứu quốc quân I (Cứu quốc quân Bắc Sơn) được thành lập ngày 23/2/1941 tại khu rừng Khuổi Nọi (thôn Vũ Lâm, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn). Ngày 15/5/1945, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Trung ương đảng, Cứu quốc quân I, II, III và các đội vũ trang khác đã hợp nhất với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân để trở thành Việt Nam Giải phóng quân (tên gọi của Quân đội nhân nhân Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 11/1945). Đội Cứu quốc quân I vinh dự, tự hào trở thành một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày nay, một số Bảo tàng vẫn còn lưu giữ những hiện vật về quá trình hoạt động của Đội Cứu quốc quân I. Đó là những di vật lịch sử quý giá còn mãi với thời gian…
Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ nhiều hiện vật về Đội Cứu Quốc quân I. Mỗi hiện vật đều gắn với những câu chuyện chứa chan cảm xúc, lắng đọng dấu ấn lịch sử của quê hương, đất nước. Ngày 23/2/1941, tại buổi lễ thành lập Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã giao nhiệm vụ và trao lá cờ đỏ sao vàng do Hội Phụ nữ phản đế Hà Nội tự may, thêu cho Đội Cứu quốc quân với niềm tin tưởng, kỳ vọng sâu sắc.
Đồng chí Lương Văn Tri, người đội trưởng đầu tiên của Cứu quốc quân Bắc Sơn vinh dự thay mặt toàn đội lên nhận lá cờ Tổ quốc và đọc 5 lời thề danh dự thiêng liêng của Cứu quốc quân. Lá cờ đó hiện nay đang được lưu giữ, trưng bày tại bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn như một vật chứng quý giá minh hoạ cho sự ra đời của Đội Cứu quốc quân đầu tiên – một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đội Cứu quốc quân đã được giao nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ của Trung ương đi dự Hội nghị Trung ương 8 do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Pác Bó (Cao Bằng). Đồng thời nhanh chóng bắt tay vào việc xây dựng lán trại, chuẩn bị thêm bãi tập để tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho chiến sĩ và cán bộ các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... Trong thời gian này, Đội Cứu quốc quân còn tích cực vận động đồng bào Tày, Nùng ở Bản Ít, Khuôn Khát (Vũ Lễ, Bắc Sơn) tham gia xây dựng căn cứ bí mật ở Khuổi Nọi; vận động đồng bào Tày ở Mỏ Pia xây dựng cơ quan bí mật ở Lân Táy (xã Hữu Vĩnh, huyện Bắc Sơn) để đón đoàn cán bộ dự Hội nghị Trung ương 8 trở về.
Ngày nay, ở Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn có những hiện vật phản ánh rõ nét các hoạt động đó của đội. Đó là những chiếc thuổng sắt, hòn đá mài, mảnh của chiếc xẻng du kích và Nhân dân Bắc Sơn đã dùng trong quá trình xây dựng căn cứ ở Khuôn Khát, Lân Táy; cặp da đồng chí Hà Khai Lạc đã dùng đựng tài liệu; sổ tay các chiến sĩ Cứu quốc quân dùng để ghi chép tài liệu, chương trình hoạt động của Việt Minh; chiếc tráp bằng gỗ đồng chí Mã Viết Thốn đã dùng đựng tài liệu và quỹ của đội ở căn cứ Bản Ít…
Thế hệ hôm nay cũng dễ dàng hiểu được nhiệm vụ của các chiến sĩ Cứu quốc quân năm xưa thông qua các hiện vật như: kiếm của đồng chí Hoàng Hán và những khẩu súng kíp các chiến sĩ Cứu quốc quân đã dùng để tự vệ và chiến đấu năm 1941; túi đựng đạn, lựu đạn của chiến sĩ Dương Công Bình đã dùng để bảo vệ cán bộ hoạt động cách mạng; mìn giả của các chiến sĩ Cứu quốc quân dùng để nghi binh đánh địch… Cuộc sống sinh hoạt, chiến đấu gian khổ của các chiến sĩ Cứu quốc quân ở căn cứ du kích cũng hiện lên rõ nét thông qua các hiện vật: túi vải của đồng chí Dương Quốc Vinh đã đựng lương thực ở rừng Tam Tấu tại căn cứ Khuổi Nọi; chăn vải đồng chí Dương Thần Tần và các chiến sĩ Cứu quốc quân đã dùng trong quá trình hoạt động cách mạng.
Cùng với đó là những nồi đồng dùng để nấu cơm; ống đựng nước, mâm, bát, đĩa đựng thức ăn bằng tre, gỗ của các đồng chí Dương Thần Tần, Hoàng Đình Ruệ, Hoàng Văn Khằm và các chiến sĩ Cứu quốc quân; kéo cắt tóc, đèn pin, chai đựng dầu lau súng chiến sĩ Cứu quốc quân đã dùng thời kỳ hoạt động ở căn cứ du kích năm 1941.
Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, sau khi bắt trai ở suối làm thức ăn, các chiến sĩ Cứu quốc quân đã dùng ngay những mảnh vỏ trai đó làm muôi múc thức ăn hằng ngày và làm dụng cụ chế thuốc súng phục vụ chiến đấu. Bên cạnh đó là các vật dụng nói lên sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân Bắc Sơn đối với các chiến sĩ du kích như chõ đồ xôi tiếp tế cho chiến sĩ Cứu quốc quân; chiếc sừng trâu ông Ma đã tặng cho chiến sĩ Cứu quốc quân để đựng thuốc súng... Những kỷ vật đơn sơ đó cho thấy một cuộc sống vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng thắm tình đồng đội, ấm áp nghĩa đồng bào của những chiến sĩ du kích giữa vùng rừng núi heo hút, hiểm trở.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 ở Pác Bó (Cao Bằng), tháng 5/1941, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, đồng chí Phùng Chí Kiên - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và các đồng chí cán bộ quân sự tài năng: Đặng Văn Cáp, Bế Sơn Cương, Mã Thành Kính, Trần Văn Phấn được tăng cường cho Cứu quốc quân I. Đồng chí Chu Văn Tấn (Chỉ huy phó đội Cứu quốc quân I) làm nhiệm vụ dẫn đường cho các đồng chí đó về căn cứ Khuổi Nọi cùng đoàn cán bộ Trung ương Đảng.
Liên quan đến sự kiện này, ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam có một hiện vật rất quý, đó là chiếc địa bàn đồng chí Phùng Chí Kiên đã dùng để định hướng khi cùng đoàn cán bộ từ Cao Bằng về Bắc Sơn tháng 6/1941. Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn có chiếc đĩa gốm đồng chí Phùng Chí Kiên, Chu Văn Tấn, Trường Chinh đã dùng ở Lân Pán (xã Tân Lập).
Đặc biệt, trong Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn còn có một số kỷ vật về nữ liên lạc viên Triệu Mùi Pham (1930-2008). Bà là người dân tộc Kinh, do cha mẹ nghèo khó nên đã phải cho đi làm con nuôi trong một gia đình người Dao ở làng Nác, xã Tràng Xá (nay là thôn Ngọc Mỹ, xã Liên Minh), huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên từ khi lên 6 tuổi. Bố nuôi của bà là Triệu Khánh Phương (tên thật là Triệu Nho Phúc), sau này ông trở thành Đội trưởng Đội Cứu quốc quân III (thành lập ngày 25/4/1944 tại Khuổi Kịch, Sơn Dương, Tuyên Quang). Lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, quê hương Tràng Xá là nơi khai sinh ra đội Cứu quốc quân II, ngay từ khi còn ở tuổi niên thiếu, bà đã tích cực cùng các thành viên trong gia đình làm liên lạc cho đội Cứu quốc quân II do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy.
Chị Dương Thị Tốt, nguyên Giám đốc Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn cho biết: Năm 2009, khi tôi cùng đồng nghiệp đến Võ Nhai sưu tầm tư liệu, tài liệu hiện vật về người liên lạc viên nổi tiếng này thì bà vừa mất một năm. Chiếc chăn chiên - vật dụng cá nhân bà Triệu Mùi Pham đã dùng thời kỳ 1942 - 1945 hiện ở Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn được sưu tầm trong chuyến công tác đó. Ở bảo tàng còn có hiện vật mớ tóc của bà Triệu Mùi Pham được trưng bày từ năm 1990. Mỗi khi cần đưa thư từ, tài liệu của Đội Cứu quốc quân, bà thường vê gọn lại, giấu kín vào trong tóc, rồi đội chiếc mũ vải xếp của phụ nữ Dao Lù gang để nguỵ trang. Do đó kẻ địch đã không phát hiện được. Bài viết “Mớ tóc chị Mùi Pham” của nhà thơ dân tộc Dao Triệu Kim Văn một thời đã đi vào trang sách tập đọc của học sinh cấp 1 miền núi được nhiều người biết đến.
Ngoài ra, tại nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Long Châu (Trung Quốc) còn có một số hiện vật liên quan đến hoạt động của các chiến sĩ Cứu quốc quân I thời kỳ ở đây như: ấm sắc thuốc, hộp đựng thức ăn của đồng chí Hà Khai Lạc - đội viên đội Cứu quốc quân Bắc Sơn đã dùng thời kỳ hoạt động ở Long Châu 1941 - 1943. Thời gian này, sau khi cùng đồng đội rút khỏi căn cứ Khuổi Nọi sang biên giới để tránh sự truy lùng, khủng bố của địch, đồng chí Hà Khai Lạc hoạt động ở vùng Hạ Đống (huyện Long Châu) - cùng địa bàn chỉnh huấn của các chiến sĩ Cứu quốc quân II do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy.
Được hình thành từ Đội du kích Bắc Sơn, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đội Cứu quốc quân I đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng giao phó, làm nòng cốt phong trào cách mạng của Bắc Sơn, chống khủng bố, bảo vệ cán bộ cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai trở thành một trong hai căn cứ địa đầu tiên của cách mạng Việt Nam…
Những kỷ vật quý trên đây là những “mảnh ghép ký ức” sinh động góp phần quan trọng trong việc tái hiện chân thực bối cảnh lịch sử, quá trình hoạt động của đội Cứu quốc quân I. Tuy chưa thật đầy đủ nhưng đã giúp các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu một cách sâu sắc về cuộc sống gian khổ, tinh thần mưu trí, dũng cảm, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách của các chiến sĩ Cứu quốc quân. Từ đó thêm tự hào về truyền thống cách mạng trung dũng, kiên cường của quê hương, đất nước.
Ý kiến ()