Đội Cấn: Triển vọng từ phát triển các mô hình chăn nuôi
(LSO) – Thời gian qua, UBND xã Đội Cấn, huyện Tràng Định đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là mô hình chăn nuôi. Nhờ đó, từng bước cải thiện đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.
Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Mỗ Huân Huyên, thôn Nà Khau vào một ngày đầu tháng 3/2021 khi anh đang chuẩn bị thức ăn cho đàn dê. Anh Huyên cho biết: Gia đình tôi có diện tích đồi, rừng rộng, thích hợp cho chăn thả dê, năm 2018, tôi đã quyết định mua 12 con dê về nuôi, sau nửa năm chăm sóc, tôi xuất bán được 30 triệu đồng. Nhận thấy vật nuôi này có hiệu quả kinh tế, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, cùng với sự hỗ trợ của UBND xã (4 con giống từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất xây dựng nông thôn mới) gia đình đã đầu tư nâng tổng đàn dê lên 39 con. Dự kiến, hai tháng nữa, gia đình sẽ xuất bán 20 con, thu nhập ước đạt trên 50 triệu đồng.
Người dân thôn Nà Khau, xã Đội Cấn chăm sóc đàn dê
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết: chăn nuôi dê tại xã Đội Cấn đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước đây, nhưng chỉ có 2 – 3 hộ nuôi nhỏ lẻ. Hai năm trở lại đây, nhận thấy lợi thế về điều kiện tự nhiên, UBND xã đã tuyên truyền người dân tích cực mở rộng chăn nuôi dê thương phẩm để phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ 129 con dê giống với tổng giá trị hơn 500 triệu đồng cho 1 HTX và 11 hộ dân trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn xã có 25/201 hộ phát triển chăn nuôi dê với tổng đàn khoảng 240 con. Trung bình một năm đem lại thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/hộ.
Bên cạnh chăn nuôi dê thương phẩm, năm 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135, UBND xã đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình chăn nuôi vịt cổ xanh. Theo đó, UBND xã hỗ trợ vịt giống và cám cho 35 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí gần 520 triệu đồng. Bà Lâm Thị Dung, thôn Bản Chang cho biết: Năm 2016, gia đình tôi nuôi 50 con vịt cổ xanh, sau 4 tháng được xuất bán, tôi thu lãi khoảng 3 triệu đồng, gia đình tôi tiếp tục tái đầu tư tăng đàn. Cuối năm 2020, gia đình tôi được xã hỗ trợ 100 con vịt giống, đến nay, tổng đàn vịt của gia đình đạt trên 200 con sắp đến kỳ xuất bán, ước sẽ cho thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Hai mô hình trên là mô hình điển hình đã đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu của xã. Những mô hình này đã được phát triển hầu hết tại 5/5 thôn. Trong giai đoạn 2016 đến nay, xã còn phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả ở các thôn: Nà Đon, Bản Chang, Kim Ly, Nà Khau và Nặm Khoang với quy mô trên 1.000 con.
Bà Lư Thị Biền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm nâng cao đời sống người dân và nỗ lực đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020, chúng tôi đã rà soát, sử dụng các vốn hỗ trợ để tập trung xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế. Đồng thời, từ năm 2016 trở lại đây, UBND xã đều phối hợp với phòng, ban chuyên mô của huyện tổ chức trung bình từ 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con. Đến nay, xã đã nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hộ gia đình hiệu quả, trong đó có 2 mô hình nuôi dê thương phẩm và một mô hình nuôi vịt cổ xanh cho giá trị kinh tế cao, đạt tổng giá trị bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ bà con mở rộng phát triển các mô hình theo hướng hàng hóa tập trung.
Với sự nỗ lực xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế của chính quyền xã cùng toàn thể bà con Nhân dân, hiện nay, đời sống người dân thay đổi rõ rệt, kinh tế – xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 36,12 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,24% (năm 2011) xuống còn 10,15% (năm 2020).
Ý kiến ()