LSO-Tết này là tết thứ hai, bà con xã Đội Cấn (Tràng Định) được ung dung trên xe máy lăn bánh trên con đường phẳng mịn để xuống chợ Thất Khê sắm tết mà không phải bước thấp bước cao trên con đường gập gềnh dốc đá và ngầm sâu của dòng Nặm Ăn muôn đời chảy. Và cuộc sống của họ cũng vì vậy bớt nhọc nhằn đi rất nhiều. Tập kết nguyên vật liệu xây dựng nhà theo chương trình 167Làm việc với chúng tôi về tình hình kinh tế - xã hội của xã biên giới này, đồng chí Âu Văn Cương, Bí thư Đảng ủy xã nói một câu rất khái quát: “Hai năm có đường lớn bằng cả 20 năm phấn đấu”. Phân tích về sự phát triển, lãnh đạo xã cho rằng, nếu trước năm 2010, mỗi kg thạch đen so với ngoài thị trấn Thất Khê, bà con Đội Cấn đã bị thiệt từ 5-6 ngàn đồng và mỗi tấn xi măng từ Thất Khê vào đây, bà con phải bù thêm khoảng 100 ngàn đồng. Về công tác giáo dục đào tạo, là một xã ít dân, phân bố phân tán, từ...
LSO-Tết này là tết thứ hai, bà con xã Đội Cấn (Tràng Định) được ung dung trên xe máy lăn bánh trên con đường phẳng mịn để xuống chợ Thất Khê sắm tết mà không phải bước thấp bước cao trên con đường gập gềnh dốc đá và ngầm sâu của dòng Nặm Ăn muôn đời chảy. Và cuộc sống của họ cũng vì vậy bớt nhọc nhằn đi rất nhiều.
Tập kết nguyên vật liệu xây dựng nhà theo chương trình 167
Làm việc với chúng tôi về tình hình kinh tế – xã hội của xã biên giới này, đồng chí Âu Văn Cương, Bí thư Đảng ủy xã nói một câu rất khái quát: “Hai năm có đường lớn bằng cả 20 năm phấn đấu”. Phân tích về sự phát triển, lãnh đạo xã cho rằng, nếu trước năm 2010, mỗi kg thạch đen so với ngoài thị trấn Thất Khê, bà con Đội Cấn đã bị thiệt từ 5-6 ngàn đồng và mỗi tấn xi măng từ Thất Khê vào đây, bà con phải bù thêm khoảng 100 ngàn đồng. Về công tác giáo dục đào tạo, là một xã ít dân, phân bố phân tán, từ năm học 2011-2012 trở về trước, sự tồn tại nhiều phân trường đã gây khó khăn cho nâng cao chất lượng; nay đường liên thôn đang được “cứng hóa” nối với đường nhựa trục chính, bà con đã có thể dùng xe máy đưa con em họ đến trường. Vì vậy, toàn xã không còn điểm trường lẻ, chất lượng giáo dục được nâng cao.
Việc tăng cường về hạ tầng đã tạo “bước ngoặt” cho sự chuyển biến lớn của xã Đội Cấn, mà trước hết từ tư duy kinh tế. Suốt dọc con đường nhựa phẳng phiu bám theo dòng Nặm Ăn ngược mãi lên biên giới giáp xã Quốc Khánh, từng cánh rừng thông, rừng bạch đàn cao sản đã bắt đầu vươn cao thay thế cho những cánh rừng nghèo. Từ chỗ chỉ đi lấy củi bán để lấy tiền mua sắm tết, anh Vi Trường Khiêm, thôn Bản Chang đã cải tạo nương rẫy cũ, phát quang rừng nghèo để trồng bạch đàn cao sản. Đã ba năm trôi qua, hơn 3 ha rừng bạch đàn của anh đã hứa hẹn cho tiền tỷ trong tương lai gần. Những ngày gần tết, tranh thủ có nắng, anh lại lên rừng, nhưng không phải đốn gỗ, chặt củi, mà là tu bổ, phát vén nương rẫy để chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới. Anh cho biết: “Hiện giá gỗ bạch đàn đường kính trên 10 phân đã là 1,2 triệu đồng/m3, nhìn vào cánh rừng lên nhanh qua mỗi mùa xuân, mình cảm thấy thật vui, vì ước mơ làm giàu nay đã dần trở thành hiện thực”. Tiếp cận nhanh với cơ chế thị trường, bà con đã biết vượt qua những khó khăn để sản xuất nông lâm sản hàng hóa, mang lại thu nhập cao về kinh tế. Vì vậy, mặc dù năm 2012 là một năm nhiều khó khăn như rét đậm đầu năm, khô hạn vào tháng 4 tháng 5, song diện tích gieo trồng và tổng sản lượng lương thực cây có hạt của Đội Cấn vẫn đạt 123% chỉ tiêu huyện giao và vượt 45,48% so với cùng kỳ năm 2011. Từ “cú hích” của con đường lớn, phong trào kiên cố hóa giao thông nông thôn phát triển mạnh và “đấu nối” êm thuận với trục chính thành một mạng lưới khá hoàn chỉnh và phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, địa phương luôn quan tâm đến các gia đình có công, gia đình thuộc diện chính sách xã hội, nên tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn còn đến trên 30%, thì qua bình xét cuối năm 2012 chỉ còn 9,1%, hộ cận nghèo là 2%. Sự cộng hưởng của các chương trình như 135 giai đoạn 1, chương trình 120 dành cho các xã biên giới, chương trình 167… không chỉ hạ tầng nông thôn được cải thiện mà cơ bản xã đã xóa xong nhà dột, nhà tạm với tiêu chí “3 cứng” (cứng móng, cứng nền, cứng mái).
Không chỉ tư duy kinh tế, mà trình độ dân trí được nâng lên, nhận thức về xã hội của bà con cũng có nhiều điểm mới. Là xã biên giới, nhưng tâm lý “thích nghèo”, sự ỷ lại, trông chờ vào nhà nước hầu như không còn tồn tại nơi đây. Bằng chứng là sau khi khảo sát thu nhập của bà con, các thôn đưa ra cuộc họp để bình xét hộ nghèo, người dân đã phân tích và chỉ ra những vấn đề của từng hộ gia đình có thu nhập thấp và nằm trong “ngưỡng nghèo” theo quy định, song do lười lao động, tiêu sài lãng phí, nên không công nhận là hộ nghèo. Vì vậy, những hộ gia đình đó phải tự xem xét lại bản thân mình, chịu khó học hỏi kinh nghiệm làm ăn để tự thoát nghèo một cách bền vững.
Có lẽ các cháu trong độ tuổi nhà trẻ mẫu giáo của xã Đội Cấn sẽ không có khái niệm về “đường đá cầu tre” trên quê hương mình. Song người lớn cảm nhận được sự thay đổi rất rõ nét ở vùng quê mà mới 2 năm trước còn là vùng khó khăn thuộc loại nhất nhì huyện Tràng Định. Nếu trước đây, đêm giao thừa, vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, người dân Đội Cấn vẫn trong tình trạng “đèn ai nhà nấy rạng”; thì tết này, thanh niên có thể rủ nhau đi xe máy qua 10 cây số đường nhựa, ra trung tâm huyện vui giao thừa và ngắm pháo hoa.
Cho dù còn nhiều khó khăn vất vả, song xuân này người dân biên giới cảm thấy thật đầy đặn. Hạnh phúc của mỗi nhà, mỗi gia đình là không những được hưởng những gì mà Đảng và Nhà nước mang lại cho họ, mà họ còn tận hưởng những thứ do chính tay mình tạo ra.
Minh Hồng
Ý kiến ()