Ðôi bờ sông Chảy
Bảo Yên là cửa ngõ phía nam của tỉnh Lào Cai, nổi danh với di tích lịch sử trận Phố Ràng và dòng sông Chảy hùng vĩ, thơ mộng. Dọc đôi bờ sông Chảy hôm nay, chính quyền và người dân nơi đây đang làm nên một diện mạo nông thôn mới.Sản xuất giấy xuất khẩu ở Công ty lâm nghiệp Bảo Yên (Lào Cai). Bữa cơm ở nhà pắt pie (lão ngư) Lục Bỉnh Sợi được mệnh danh là "rái cá" sông Chảy thật ấn tượng. Các món cá, tôm đánh lên từ dòng sông ầm ào, cuồn cuộn chảy ngang nhà. Nào tôm đá rang lá chanh, cá chép tía nướng lá mắc-khén, cá chày mắt đỏ om củ chuối, nhưng ngon nhất là món cá chiên nấu lá vón vén, một loại lá chua chỉ có ở vùng rừng Tây Bắc và chỉ một số người dân tộc thiểu số biết hái lá để làm món thẩm lam (canh cá chua). Thịt cá chiên nục nạc, vàng, thơm, ngọt lừ quyện vị chua thanh của lá vón vén, không hổ danh là đặc sản của sông Chảy, vị ngon không lẫn với bất kỳ một loại cá...
Bảo Yên là cửa ngõ phía nam của tỉnh Lào Cai, nổi danh với di tích lịch sử trận Phố Ràng và dòng sông Chảy hùng vĩ, thơ mộng. Dọc đôi bờ sông Chảy hôm nay, chính quyền và người dân nơi đây đang làm nên một diện mạo nông thôn mới.
Bữa cơm ở nhà pắt pie (lão ngư) Lục Bỉnh Sợi được mệnh danh là “rái cá” sông Chảy thật ấn tượng. Các món cá, tôm đánh lên từ dòng sông ầm ào, cuồn cuộn chảy ngang nhà. Nào tôm đá rang lá chanh, cá chép tía nướng lá mắc-khén, cá chày mắt đỏ om củ chuối, nhưng ngon nhất là món cá chiên nấu lá vón vén, một loại lá chua chỉ có ở vùng rừng Tây Bắc và chỉ một số người dân tộc thiểu số biết hái lá để làm món thẩm lam (canh cá chua). Thịt cá chiên nục nạc, vàng, thơm, ngọt lừ quyện vị chua thanh của lá vón vén, không hổ danh là đặc sản của sông Chảy, vị ngon không lẫn với bất kỳ một loại cá nào. Theo lão ngư Sợi, cá chiên chỉ sống ở những con sông nước ngọt lắm thác nhiều ghềnh, như sông Chảy hay sông Đà, sông Gâm. Loài cá này được mệnh danh là “thủy quái” dưới lòng sông Chảy, chuyên săn những loài cá khác làm thức ăn, trú ngụ ở những hang đá ngầm hóc hiểm sát lòng sông sâu, nơi có nhiều thác lớn chảy xiết. Cá chiên có trọng lượng lớn nhất trong số những loài cá hiện có ở sông suối vùng núi Tây Bắc, nhiều con nặng 20-30 kg, da mốc meo, sằn sẹo do ở trong hang đá tầng sâu. Ban ngày, cá ẩn mình trong hang đá ngầm, tối đến bơi ra tìm mồi, nên muốn bắt cá chiên chỉ có cách cắm câu dây qua đêm, chứ không thể chài lưới. Sông Chảy bắt nguồn từ dãy Kiều Liên Ty cao 2.144 m so mặt nước biển của tỉnh Hà Giang, chảy vào Lào Cai từ địa phận xã Tả Gia Khâu, len lỏi qua trập trùng núi cao thăm thẳm của vùng “núi nhọn” Mường Khương, Bắc Hà, có tên gọi sông Xanh, rồi trằm mình xoải nước qua chín xã của huyện Bảo Yên – cửa ngõ Lào Cai tiếp giáp “vương quốc đá đỏ” Lục Yên nổi tiếng của tỉnh Yên Bái, đổ nước vào hồ thủy điện Thác Bà trước khi nhập dòng sông Hồng ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Do phù du đổ về từ thượng nguồn nên sông Chảy rất nhiều tôm, cá và được mệnh danh là “mỏ” cá, tôm của cư dân sinh sống ven sông. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dương Lý Văn Mạo kể: Ngày trước, bà con người Tày chỉ cần cầm cái rão (nơm) đan bằng tre chứ chưa có lưới gai, lưới ni-lông như bây giờ, tìm đến những búng ro (vụng nước) dọc sông mùa nước cạn mà xúc, thậm chí các noọng (cô gái trẻ), các mế (bà mẹ) tay không cũng bắt được cá chày, cá chép, cá mè cỡ hai, ba cân một con… ngược dòng từ dưới hồ Thác Bà lên vùng thượng nguồn. Phụ nữ người Tày thường mặc bơ tộ (váy) đi úp rão, gặp ổ cá lớn, dùng luôn váy chàm quây bắt cá. Câu chuyện của anh Mạo pha chút hài hước muốn chứng minh rằng sông Chảy là “vựa” cá của Lào Cai, đã nuôi sống và làm giàu cho cư dân nơi đây từ bao đời. Hiện giờ cá tự nhiên đã vơi cạn, người dân các xã Tân Dương, Xuân Hòa mở hướng nuôi trồng thủy sản, đặc sản sông Chảy. Đồng bào dân tộc Tày ven sông và cả người Dao vốn sống trên sườn núi đã chuyển đổi ruộng trũng làm ao; tận dụng các khe núi, ngăn đập nuôi cá nheo, chiên, lăng, quất. Gia đình ông Cổ Văn Bàn, dân tộc Tày, ở bản Cuông, xã Xuân Hòa với hơn ba ha mặt nước, chuyên nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá nheo, trắm đen, cá chẽm Ô-xtrây-li-a, ba ba… Trang trại của ông hiện có gần 4.000 con ba ba, hai ao nuôi gần 700 con cá nheo và cá trắm đen; đồng thời đang nuôi thử nghiệm cá chẽm Ô-xtrây-li-a. Để bảo đảm nguồn thức ăn nuôi cá, ông Bàn trồng cỏ, nuôi các loại cá tạp, sắm máy xay chế biến thức ăn, máy thái cỏ… bảo đảm có thể nuôi cá đặc sản, ba ba khép kín, quy mô lớn. Bình quân mỗi năm gia đình ông Bàn thu được hơn 300 triệu đồng. Cách đây vài năm, con cá từ Tân Dương, Xuân Hòa ra chợ thị trấn Phố Ràng có khi ươn thối, bán không ai mua, vì đường sá lầy lội, ách tắc. Năm 2009, quốc lộ 279 được Nhà nước mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ, nối liền mấy xã dọc hai bên bờ sông Chảy với thị trấn huyện lỵ, thông sang huyện Bắc Hà, vươn đến tỉnh bạn Hà Giang đã giúp bà con nâng giá trị, hiệu quả kinh tế của sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Từ thị trấn huyện lỵ Phố Ràng, xe ô-tô, xe máy từ sáng đến tối, vun vút lao vào tận bản thu mua cá thịt, ba ba, ngô hạt, gỗ rừng trồng… Giao thông thuận lợi, người dân có hàng bán, chỉ cần một cú “phôn”, rồi ung dung đếm tiền tại nhà, bao nhiêu hàng thì đội quân thương lái cũng đưa xe đến chở hàng đi tiêu thụ hết. Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Phạm Quang Trung cho hay, từ khi có đường giao thông thuận lợi, mỗi năm Xuân Hòa xóa nghèo được vài chục hộ, nhiều nhà xây đang mọc lên làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()