Đội bay Nga - Mỹ trên Trạm Vũ trụ quốc tế trở về Trái Đất an toàn
Sáng 11/3, đội bay quốc tế thứ 38 làm việc trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), gồm hai nhà du hành vũ trụ Nga Oleg Kotov (Ô-lếch Cô-tốp), Sergei Ryazansky (Xéc-gây Ria-dan-xki) và một đồng nghiệp của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Michael Hopkins (Mai-cơn Hốp-kin) đã được tàu vũ trụ Liên hợp TMA-10M đưa về Trái Đất an toàn.
Theo Trung tâm quản lý bay của Nga, bộ phận đổ bộ của tàu Liên hợp TMA-10M đã đáp an toàn vào lúc 10 h24 (giờ Việt Nam) xuống một địa điểm ở khu vực thảo nguyên, cách thành phố Dzhezkazgan (Ghéc-ca-dơ-gan) của Kazakhstan 147 km về phía Đông Nam Trên ISS hiện vẫn còn ba nhà du hành vũ trụ Mikhail Tyurin (Mi-kha-in Tiu-rin) người Nga, Richard Mastracchio (Ri-sát Ma-xtra-xki-ô) người Mỹ, và Koichi Wakata (Côi-chi Oa-ca-ta) người Nhật Bản.
Trong thời gian 165 ngày đêm làm việc trên ISS, “bộ ba” nhà du hành vũ trụ này đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ như: thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học ứng dụng và tiến hành các thử nghiệm, chụp ảnh và quay phim từ khoang tàu, thực hiện các thao tác với tàu vận tải “Progress”, ATV-4, đưa ngọn đuốc Olympic lên vũ trụ và đặc biệt các phi hành gia bước ra bên ngoài không gian.
Soyuz TMA-10M cùng phi hành đoàn được đưa lên vũ trụ từ sân bay Baikonur (Bai-cô-nua) của Nga ở Kazakhstan ngày 26/9/2013. Trước đó, ngày 10/3, Trung tâm quản lý bay của Nga thông báo, sứ mệnh trở về của Soyuz TMA-10M có thể bị hoãn do thời tiết xấu, song đội bay vẫn trở về Trái Đất theo đúng kế hoạch và sức khỏe của cả 3 người đều tốt.
Dự kiến đội bay quốc tế tiếp theo gồm hai nhà du hành Nga và một người Mỹ sẽ được tàu Soyuz ТМА-12М đưa lên vũ trụ vào ngày 26/3 tới, cũng từ Baikonur.
– Trong một diễn biến liên quan, mặc dù còn nhiều bất đồng trong vấn đề của Ukraine song Nga và Mỹ vẫn nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Trước đó, ngày 10/3, lãnh đạo công ty “Hệ thống vệ tinh thông tin” của Nga và công ty International Launch Services (ILS) của Mỹ đã ký thỏa thuận nghiên cứu khả năng đưa cùng một lúc hai vệ tinh vào vũ trụ nhờ tên lửa đẩy Proton. Thỏa thuận quy định một trong hai vệ tinh sẽ do phía Nga sản xuất, vệ tinh còn lại của nước ngoài có thể sẽ phóng cùng với vệ tinh của Nga. Cuối cùng, cả hai công ty của Nga và Mỹ sẽ đánh giá tính khả thi kỹ thuật của dự án.
Theo CPV
Ý kiến ()