Độc lập, tự chủ - Định hướng và nguyên tắc bất biến của đối ngoại Việt Nam
Ngày 28-8-1945, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Cũng vào ngày đó, Bộ Ngoại giao – dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên – đã lập tức gánh vác sứ mệnh lịch sử trong mặt trận đối ngoại giữa muôn trùng sóng gió của một nền chính trị quốc tế bị chi phối bởi các nước lớn. Dưới sự lãnh đạo của Người, tư tưởng độc lập, tự chủ đã trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và định hình các hoạt động đối ngoại từ khi lập quốc đến nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. (1)
Người còn dạy: “Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh”.(2) Bởi lẽ, giữ vững độc lập, tự chủ vừa là đường lối, vừa là nguyên tắc bất biến để chúng ta bảo vệ tốt nhất lợi ích quốc gia, dân tộc của mình. Đó chính là kết tinh của sự nghiệp đối ngoại thời đại Hồ Chí Minh.
Độc lập là quyền của các dân tộc, nhưng việc thực hiện nó tùy thuộc ở mức độ rất lớn vào năng lực tự chủ của từng dân tộc. Chúng ta thấy rõ việc giành độc lập đã khó, nhưng giữ độc lập, tự chủ còn khó hơn nhiều. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử 69 năm qua, trước những biến đổi của thời cuộc và sự chênh lệch tương quan lực lượng giữa Việt Nam và các nước khác, việc chúng ta đã bảo vệ được các lợi ích quốc gia, dân tộc của mình chính là nhờ sự kiên trì theo đuổi mục tiêu và nguyên tắc độc lập, tự chủ. Hoạt động ngoại giao trong các chặng đường lịch sử đầy thử thách như giai đoạn 1945 – 1946, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, Hội nghị Pa-ri năm 1973, là những thí dụ sinh động nhất.
Trong thời kỳ Đổi mới, cũng có không ít bài học kinh điển về tầm quan trọng của độc lập, tự chủ trong đối ngoại. Vận dụng sáng tạo quan điểm độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới, chúng ta đã thực hiện chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, tránh phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào. Chúng ta cũng chủ động lựa chọn tham gia các cơ chế, diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ một cách tốt nhất các lợi ích quốc gia, dân tộc thông qua các quyết sách lớn về đối ngoại như bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau cao độ, thách thức đối với nhiệm vụ giữ vững độc lập, tự chủ càng trở nên to lớn và phức tạp hơn. Ngày nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 184 nước, quan hệ kinh tế -thương mại – đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; độ mở của nền kinh tế đã rất lớn, với kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 160% GDP. Đồng thời, quá trình toàn cầu hóa cũng có mặt trái của nó. Đó là các thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, khủng bố… đã và đang vượt tầm kiểm soát của từng quốc gia đơn lẻ. Như vậy, đã xuất hiện thêm các nhân tố có thể tác động nghịch đối với khả năng giữ độc lập, tự chủ và bảo vệ các lợi ích quốc gia, dân tộc của chúng ta.
Suy cho cùng, muốn giữ độc lập, tự chủ, chúng ta phải tăng cường khả năng đấu tranh chống lại sức ép và ảnh hưởng từ bên ngoài. Trong bối cảnh đó, chúng ta càng nhận thức sâu sắc về những bài học quý giá rút ra trong quá trình triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ suốt 69 năm qua. Các bài học lớn là: Thứ nhất, để giữ vững độc lập, tự chủ trên mặt trận đối ngoại thì phải có thực lực mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”.(3) Người đặc biệt nhấn mạnh: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”.(4) Thực lực của ta là sức mạnh tổng hợp mọi mặt gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… Trong thời đại hội nhập ngày nay, vị thế đối ngoại ngày càng trở thành một nguồn sức mạnh quan trọng. Để nâng cao vị thế đối ngoại, chúng ta phải triển khai thành công chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa; nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại; đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu; củng cố quan hệ với các nước lớn, các trung tâm quyền lực, các tổ chức đa phương khu vực có ảnh hưởng lớn.
Thứ hai, để thế và lực mạnh, chúng ta phải biết kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Cần nhận thức rõ sức mạnh của thời đại ngày nay là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học công nghệ, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; nguyện vọng chung của nhân dân thế giới là phấn đấu vì sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại chính là chủ động, tích cực tham gia vào các xu thế ấy.
Nói cách khác, độc lập, tự chủ phải dựa trên nội lực, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế. Đây cũng chính là mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.
Thứ ba, trong bối cảnh toàn cầu hóa và khi trật tự thế giới và khu vực đang định hình, việc kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ phải gắn bó chặt chẽ với quá trình thực hiện phương châm tích cực và chủ động trong công tác đối ngoại.
Nói cách khác, giữ vững độc lập, tự chủ không chỉ bao gồm việc khắc phục sự lệ thuộc, chống sự áp đặt, lôi kéo, chi phối mà còn là nêu cao và phát huy tính chủ động trong việc tham gia vào các công việc chung của cộng đồng khu vực và quốc tế. Theo đó, để giữ được độc lập, tự chủ trong đối ngoại, chúng ta phải có tầm nhìn chiến lược, khả năng bao quát và dự liệu cả cơ hội và nguy cơ, đồng thời luôn chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc tế, đề xuất sáng kiến, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng thể chế và kiến trúc điều tiết quan hệ quốc tế.
Thứ tư, để giữ vững độc lập, tự chủ trong đối ngoại cần tích cực và khẩn trương tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ đối ngoại. Đại hội XI của Đảng đã thông qua định hướng: “chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp”.(5) Cùng với việc không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cần phải có tầm nhìn và tư duy chiến lược, kiến thức sâu, rộng về tình hình trong nước và quốc tế, có đủ kỹ năng đối ngoại để làm tốt công tác nghiên cứu dự báo, tham mưu, kiến nghị xây dựng và triển khai đường lối, chính sách đối ngoại. Lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và năng lực của đội ngũ cán bộ đối ngoại vừa là bộ phận quan trọng của năng lực tự chủ của đất nước, vừa là điều kiện cần thiết để giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ trong các hoạt động đối ngoại từ trước đến nay và từ nay về sau.
Trong không khí tưng bừng Kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 69 năm thành lập Bộ Ngoại giao, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của đường lối, nguyên tắc đối ngoại độc lập, tự chủ. Ôn lại các bài học lịch sử, chúng ta càng thêm tin tưởng chắc chắn rằng, các thế hệ cán bộ đối ngoại hôm nay sẽ kế tục xứng đáng truyền thống 69 năm qua, tiếp tục giữ vững độc lập, tự chủ, phục vụ cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, bởi vì chúng ta luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Làm gì cũng vì lợi ích dân tộc mà làm”.
PHẠM BÌNH MINH
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, trang 136.
(2) Bộ Ngoại giao (2008), Bác Hồ và hoạt động ngoại giao – Một vài kỷ niệm về Bác, NXB CTQG, Hà Nội.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, trang 126.
(4) Văn kiện Đảng: Toàn tập (1940 – 1945), NXB CTQG Hà Nội, 2000, tập 7, trang 244.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG (2011), trang 238.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()