Đối với phụ nữ Dao Đỏ, một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần học là may vá. Từ nhỏ, những cô bé Dao Đỏ đã được học may vá thêu thùa, khoảng từ 10-12 tuổi đã thêu thùa thành thạo và có thể tự làm ra những bộ trang phục riêng cho mình để mặc vào những dịp quan trọng. Những công việc này để chuẩn bị trước cho ngày cô gái sẽ ra ở riêng: trước khi về nhà chồng, các cô gái Dao Đỏ sẽ phải tự hoàn thành trang phục của riêng mình gồm thường phục và lễ phục.
Theo quan niệm của người Dao Đỏ, màu đỏ mang lại hạnh phúc, may mắn, đầy đủ và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Chính vì vậy, đây là gam màu chủ đạo được họ sử dụng trong trang trí trang phục.
Thông thường, một bộ trang phục truyền thống đầy đủ của người phụ nữ Dao Đỏ bao gồm áo, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng và các đồ trang sức khác đi kèm. Trang phục của người Dao Đỏ cầu kỳ từ cách cắt khâu đến hoa văn, cách tạo hình và đặc biệt là màu sắc trang trí nhất thiết phải có đủ năm màu cơ bản: đỏ, trắng, vàng, xanh, chàm hoặc đen.
Phụ nữ thường chỉ mặc áo dài có màu đen hoặc màu chàm. Họ thêu kín các họa tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ để nẹp cổ liền với ngực thân áo. Nẹp ngực được đáp dải vải hoa văn với hình dấu chân hổ, hình cây cỏ, sóng nước, quả thông, hoa bông, họa tiết ghép vải hình răng cưa và đính các quả bông len đỏ. Ở dây lưng, hoa văn được trang trí tập trung ở hai đầu với các hình như cây thông, dấu chân hổ, người mặc váy… Khi thắt dây lưng phải cuốn 3 đến 4 vòng rồi buộc chặt ở phía sau.
Trên áo, phụ nữ Dao Đỏ thêu lên những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với đời sống như hoa lá, cỏ cây, rừng núi, động vật... Các hoa văn trang trí trên trang phục vô cùng phong phú, với các màu chủ đạo là chàm, đỏ và trắng, ở mỗi địa phương lại có chút biến tấu do phong tục, địa lý… Do đó, mỗi bộ trang phục khác nhau ở hoa văn, người thêu luôn cố gắng sắp xếp hài hòa, tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, bố cục sao cho hài hòa, tươi sáng.
Với chiếc áo bé bên trong, hoa văn cũng hết sức cầu kỳ, tập trung chủ yếu ở phần ngực, cổ và lưng. Chiếc áo bé này được làm khéo léo để khi mặc áo dài trùm bên ngoài, các hoa văn, họa tiết tinh tế không bị che lấp mà phô ra. Áo bé được trang trí hoa văn trên ngực bằng cách đính cúc hoa bạc theo chiều dọc ở giữa áo. Áo bé được mặc trong và áo dài mặc ngoài, hàng hoa bạc nằm xen giữa hai hàng quả bông len đỏ. Các hoa văn phía thân sau áo bé được thêu theo chiều dọc của áo, là các họa tiết hình cây thông.
Những hoa văn mang cái nhìn nhân sinh quan và thế giới quan của người Dao, cùng ý nghĩa tâm linh riêng biệt được khâu thêu tỉ mỉ và tinh xảo. Nghệ thuật trang trí này gắn với truyền thuyết về con long khuyển mình rồng ngũ sắc, biến thân của Bàn Hộ (tổ tiên của người Dao Đỏ) cứu nước của Bình Vương khỏi sự hủy diệt của Cao Vương. Với người Dao, hình cây thông chính là hình đuôi chó được cách điệu còn hình dấu chân hổ là hình chân chó cách điệu. Ngoài ra thân áo còn có hình hoa kiệu, hình thập ngoặc, hình răng cưa… được thêu ở hai bên, cúc hoa bạc đính ở giữa rất đẹp. Khi mặc, phần thân của áo bé sẽ lộ ra các hoa văn thêu, đính vải, ghép vải hình răng cưa rất tỉ mỉ.
Quần của phụ nữ Dao Đỏ thường màu đen tuyền, không có hoa văn, nhưng được trang trí cầu kỳ bằng cách thêu hoa văn ở ống quần, thường là hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng hay hình cây thông, hình quả trám... Phần trên quần không thêu vì khi mặc áo dài vào sẽ che lấp nên chỉ thêu phần dưới tạo sự cân đối hài hòa.
Hoa văn trang trí trên tạp dề của người Dao Đỏ cũng hết sức cầu kỳ. Tạp dề có 2 loại, một loại sử dụng trong đám cưới và một loại trong lễ cấp sắc. Các hoa văn trang trí chủ yếu trên tạp dề là hình quả trám vuông có chữ “vạn”, hình răng cưa, hình cây thông… Viền của tạp dề có các tua len màu đỏ, khi đã mặc quần áo, thắt lưng xong sẽ cuốn tạp dề ở ngoài cùng để che phần vải không thêu hoa văn của áo dài và tăng thêm vẻ sang trọng của bộ lễ phục.
Khăn đội đầu của người phụ nữ Dao Đỏ thường bằng vải chàm đen, trắng, đỏ sặc sỡ. Khăn được trang trí bằng các họa tiết như vết chân hổ, cây vạn hoa hay thêu cách đoạn. Tính từ ngoài vào hoa văn trên khăn có 5 lớp được bao quanh ô vuông “tâm điểm” của khăn. Các tua len trên khăn được làm bằng sợi len, có tua rua bằng sợi tơ đỏ. Khi thiếu nữ Dao đội lên đầu các hoa văn, họa tiết sẽ được phô ra ngoài.
Lễ phục của phụ nữ Dao Đỏ gồm khăn, áo dài, dây lưng, quần, váy thêu được cắt, khâu, tất cả đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ trên nền vải đen. Trong lễ cưới, cô dâu nổi bật với trang phục gồm khăn, mũ trùm kín đầu có đính nhiều tua chỉ màu sắc sặc sỡ và những đường thêu hoa văn thổ cẩm tinh xảo.
Trên trang phục của cô dâu, nhất thiết phải có bạc và nhiều màu sắc như: Màu đỏ thể hiện ánh bình minh rực rỡ, con người luôn hướng về phía mặt trời; màu xanh là của núi rừng, nơi con người sinh sống; màu trắng thể hiện sự trong trắng, thủy chung của người con gái. Mũ áo của cô dâu người Dao Đỏ là một tác phẩm độc đáo của sắc màu, thể hiện sự tinh xảo trong từng đường thêu hoa văn thổ cẩm.
Khăn đội đầu cô dâu trong ngày cưới gọi là “Trùm Phả” làm bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, trên nền thêu nhiều loại hoa văn hình cây cỏ, cây thông, dấu chân hổ, hoa bông, hình chim… Diềm khăn đính một hàng tua rua bằng len màu đỏ, xanh, vàng che kín mặt cô dâu. Tạp dề cô dâu, mỗi cạnh được viền bằng các đường thêu hoa văn hình cây cỏ, chữ thập ngoặc; gấu thêu hoa văn hình cây bông, dấu chân hổ, thập ngoặc; trên cùng thêu hoa văn hình cây thông, hoa cây thông, gắn hoa văn hình con ngựa, người mặc váy.
Đối với trang phục của người đàn ông Dao Đỏ đơn giản hơn, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần. Đàn ông thường mặc loại áo ngắn màu chàm đen có cổ thấp, xẻ trước ngực, tay đấu thẳng vào thân. Thân áo bên trái có lai thêm một cái nẹp bằng vải đỏ được thêu công phu các họa tiết hoa văn bằng chỉ màu từ cổ áo xuống gần gấu, khuy áo nhỏ bằng bạc hoặc đồng, tay áo thêu chỉ màu. Nẹp ngực, gấu của hai thân trước và sau đều được thêu trang trí bằng chỉ màu.
Phần lai trước ngực áo là mảnh vải hình chữ nhật được thêu kín hoa văn, thường là các mô típ như hoa chéo, chữ thập, dấu nhân, cây cỏ, quả thông, dấu chân hổ, hoa cây bông và các đường chỉ thêu nằm ngang, dọc bằng màu đỏ, trắng. Bên phải của nách áo được đính 5 khuy bạc nhỏ bằng hạt ngô. Khăn đội đầu trang trí giống khăn của nữ giới.
Đặc biệt sau lưng áo giữa hai bả vai có thêu một hình chữ nhật gồm nhiều họa tiết hoa văn gọi là “ấn dấu” của Bàn Vương.
Quần may bằng vải nhuộm chàm, cắt kiểu “chân què”; khăn dài màu chàm để đội kiểu vấn đầu dạng đầu rìu hoặc gấp nếp khăn cẩn thận rồi vấn quanh đầu thành cái vành to dần.
Khăn nam giới bằng vải chàm đen, cũng thêu hoa văn như nữ giới. Khi đội, gấp khăn làm tư theo chiều dọc rồi cuốn lên đầu nhiều vòng, còn đầu thừa gài vào bên trong vành khăn.
Ngày xưa, cả nam giới và nữ giới người Dao Đỏ đều cuốn xà cạp.
Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ còn độc đáo ở chỗ, ở mỗi địa phương, lại có những biến tấu khác nhau, thí dụ khăn quấn to hay nhỏ, nhiều màu rực rỡ hay chỉ 2, 3 màu cơ bản là đỏ, trắng, chàm, nhiều hay ít nếp gấp, quấn thẳng lên cao hay quấn ngang thấp… Trang phục người Dao Đỏ ở một số nơi còn khác nhau về số lượng và kích cỡ chuỗi quả bông len hình tròn màu đỏ treo trước ngực tùy quan niệm mỗi vùng. Nếu ở Hùng Mỹ, Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có 9 quả bông, kích cỡ lớn thì ở Sơn Phú (huyện Na Hang) có 11 quả bông, kích cỡ bé hơn. Trang phục người Dao ở Bạch Xa, Tân Thành, Minh Khương (Hàm Yên) chỉ có những tua rua màu đỏ quanh viền áo trước ngực.
Để may một bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao Đỏ cần rất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi họ phải có sự kiên nhẫn và khéo léo. Mỗi bộ trang phục cần rất nhiều công đoạn như: dệt, thêu, nhuộm, trang trí, cắt may, ghép khối… với vải, sợi màu, hoa văn, đặc biệt là kỹ thuật thêu hoa văn đặc trưng hình con vật, vật thể, cây cối, hoa văn bùa hay hoa văn tín ngưỡng…
Thí dụ ở Tuyên Quang, để làm ra một bộ trang phục, người Dao Đỏ phải tự trồng bông, dệt vải, trồng chàm, nhuộm chàm, cắt may, trang trí…
Bông được thu hoạch vào tháng 7, 8 (Âm lịch). Quả bông được phơi sương, nắng cho nở ra rồi đem cán tách hạt và bông. Bông được đem bật cho tơi, cuộn lại thành từng cuộn nhỏ và se thành sợi. Sợi bông luộc qua nước sôi cho sạch rồi đem hồ với nước cháo ngô (hoặc cháo gạo nếp, tẻ), nấu trong nửa ngày thì vớt ra đem sợi phơi khô, sau đó đánh thành con chỉ để dệt thành vải. Khung dệt là khung gỗ hình chữ nhật để dệt vải với khổ vải từ 37-40cm, phù hợp cho từng loại y phục như quần áo, khăn, dây lưng…
Để nhuộm vải, đồng bào dùng cao chàm được làm từ việc ngâm cây chàm, lọc, cho thêm vôi bột, nước tro bếp. Khi làm cao, phải thực hiện một số kiêng cữ như: không chế biến cao chàm ở trong nhà mà phải làm trong một cái lán nhỏ cạnh nhà; không chế biến khi nhà có lợn, trâu, bò đẻ hoặc phụ nữ có thai đi qua lán. Cao chàm được hòa tan với nước đun sôi cùng lá ngải để nguội, pha thêm ít nước tro và rượu, khuấy đều.
Để vải có màu đẹp và bền, đồng bào nhuộm vào tháng 7, tháng 8 vì thời điểm này tiết trời khô ráo, vải mau khô và bắt màu tốt. Trước khi nhuộm phải đem ngâm thật kỹ để hết hồ thì lúc nhuộm mới dễ bắt màu và không bị loang lổ. Khi nhuộm, tấm vải được nhấn chìm trong nước, dùng chân đạp thật kỹ để vải thấm màu chàm. Ngâm vải khoảng 1 giờ, rồi đem phơi khô. Để vải có màu chàm như ý thường phải mất 20 ngày trở lên để nhuộm và phơi khô nhiều lần.
Vải được cắt, may, khâu và được trang trí theo giới tính, độ tuổi, theo tín ngưỡng (cho thầy cúng). Người phụ nữ được tự do sáng tạo mô típ hoa văn, cách tạo hình, màu sắc trang trí nhưng phải tuân thủ về bố cục trang trí như: thân trước và thân sau áo dài, áo ngắn; quanh hông, từ đầu gối xuống gấu quần, mặt khăn đội đầu… trên y phục nữ và phần gấu áo, gấu quần, phần lai trước ngực trên y phục nam.
Thông thường để hoàn thành một bộ trang phục phải mất 1 năm nếu làm nhanh, có khi lên đến 2 năm với người nào làm chậm.
Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong từng công đoạn thực hiện đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao Đỏ mà không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào.
Năm 2019, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày nay, không chỉ tự tay làm trang phục, ở nhiều địa phương, đồng bào Dao Đỏ vẫn mặc trang phục truyền thống trong nhiều dịp, như lễ tết, các dịp lễ trọng trong cuộc đời của người Dao Đỏ, như cưới hỏi, ma chay, cấp sắc… Nhiều người đã kiên định giữ nghề, truyền dạy cho lớp trẻ những công đoạn tỉ mỉ của việc may, theo và trang trí trang phục truyền thống.
Để bảo tồn nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao Đỏ, hiện nay nhiều địa phương đã khảo sát, hỗ trợ bảo tồn tại cộng đồng, thông qua việc khuyến khích người dân truyền nghề cho thế hệ sau, khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng… Có thể kể đến xã Vũ Nông (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn)… Ngoài ra, các địa phương vừa được công nhận Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng đều có chính sách bảo tồn tại địa phương mình.
Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Dao Đỏ không chỉ giúp nhận diện lịch sử cộng đồng Dao Đỏ trong xã hội dưới nhiều góc độ như nhân sinh quan, thế giới quan, thiên nhiên, cuộc sống mang đậm triết lý nhân sinh…, mà còn thể hiện khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng. Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ góp phần làm nên bản sắc văn hóa tộc người, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng; là kho tàng tri thức dân gian đặc sắc, phản ánh tư duy, sự hiểu biết về thiên nhiên, xã hội, những triết lý sống cao đẹp, óc sáng tạo, trình độ mỹ thuật của người Dao Đỏ trong cuộc sống.
Ý kiến ()