Độc đáo quần thể hang đá chùa Bính Linh bên bờ Hoàng Hà, Trung Quốc
Được coi là "kho tàng nghệ thuật" nằm bên dòng sông Hoàng Hà, quần thể hang đá chùa Bính Linh nằm ở châu tự trị dân tộc Hồi Lâm Hạ thuộc tỉnh Cam Túc, là sự kết hợp hoàn hảo giữa thiên nhiên kỳ vỹ và bàn tay tạo tác của con người, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với mỗi du khách khi tới thăm vùng tây bắc Trung Quốc, nơi hội tụ nhiều vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa dân tộc đa sắc màu.
Quần thể hang đá chùa Bính Linh, nằm trên những vách đá cheo leo của dãy Tích Thạch Sơn, nằm ngay bên bờ thượng nguồn sông Hoàng Hà, bắt đầu xây dựng vào triều đại Tây Tấn (thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên), và không ngừng được bổ sung, mở rộng quy mô qua các triều đại khác nhau.
Trải qua hơn 1.600 năm với những biến thiên của lịch sử, kiến trúc hang đá với hàng trăm bức tượng Phật, bích họa nơi đây đã trở thành kho tàng mang nhiều giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật, được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào tháng 6/2014.
Quần thể kiến trúc hang đá chùa Bính Linh hiện còn lưu giữ 216 hang lớn nhỏ khác nhau, với 815 bức tượng Phật, 900m2 bích họa, 56 tháp và 438 hiện vật có giá trị. Trong đó, nổi bật nhất là bức tượng Đại Phật trong hang thứ 171, nửa trên được chạm khắc trực tiếp vào vách núi, nửa dưới được làm bằng đất sét, cao 27m, xây dựng từ đời Đường, hiện là bức tượng Đại Phật lớn thứ 9 trên thế giới, thứ 5 ở Trung Quốc và thứ 3 ở tỉnh Cam Túc.
Nghệ thuật điêu khắc tượng ở hang đá chùa Bính Linh được đánh giá là rất phong phú, đa dạng với nhiều phong cách gắn liền với các thời đại khác nhau: có những bức tượng thể hiện sự dũng mãnh khỏe khoắn, tròn trịa, thanh tú, tả thực; lại có những bức tượng toát lên vẻ huyền ảo, thần bí, gửi gắm những quan niệm tôn giáo, tín ngưỡng.
Những bức bích họa được bảo tồn đến nay không nhiều, nhưng đủ sức phản ánh diện mạo đời sống người dân bản địa qua nhiều thế kỷ, nhất là các hình thức âm nhạc, vũ đạo và trang phục, góp phần quan trọng giúp vén bức màn bí ẩn về cuộc sống con người thời xưa.
Châu tự trị dân tộc Hồi Lâm Hạ là khởi nguồn của câu chuyện "Đại Vũ trị thủy" ở Trung Quốc, từ xưa đã là nơi cung cấp nguồn nước quan trọng cho thượng nguồn Hoàng Hà. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều di tích lịch sử văn hóa độc đáo gắn liền với cuộc sống của các dân tộc ở tây bắc Trung Quốc như: Hồi, Hán, Đông Hương, Bảo An, Sara...
Ý kiến ()