Độc đáo ngôi đình làng bằng gỗ gụ nhỏ nhất Việt Nam
Ba năm lên ý tưởng và hơn hai năm kiên trì thực hiện, bằng sự say mê và đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Phan Lạc Hùng (67 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) đã tỉ mỉ tạo nên ngôi đình làng được coi là nhỏ nhất Việt Nam, với độ giống gần như tuyệt đối với ngôi đình làng Hữu Bằng thực tế.
Huyện Thạch Thất nói chung và xã Hữu Bằng nói riêng xưa nay nổi tiếng với nghề làm gỗ và điêu khắc gỗ. Bản thân ông Phan Lạc Hùng cũng có đến gần 50 năm gắn bó với nghề này.
Vài năm trở lại đây, do tuổi cao nên ông Hùng không tiếp tục làm gỗ nữa. Có nhiều thời gian hơn, từ đầu năm 2019, ông Hùng dành khoảng 6-8 tiếng mỗi ngày để thực hiện ngôi đình làng Hữu Bằng với tỷ lệ 1:1002 so với ngôi đình làng Hữu Bằng thực tế. Trước khi bắt tay vào thực hiện, ông Hùng đã ấp ủ ý tưởng này trong suốt hơn ba năm.
Nằm trên địa phận xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, ngôi đình làng Hữu Bằng đến thời điểm này đã hơn 300 năm tồn tại, được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng niên hiệu Chính Hòa. Đình thờ tam vị Nam Hải Đại Vương thành hoàng làng. Đối với những người dân Hữu Bằng như ông Hùng, ngôi đình này chính là hồn cốt quê hương khắc đã sâu trong tâm khảm. Đây là nguồn cảm hứng để ông Hùng bắt tay vào thực hiện ngôi đình làng Hữu Bằng nhỏ.
Khi bắt tay vào thực hiện, ông Phan Lạc Hùng không kể cho ai biết, vì sợ nói ra mà không thực hiện được. Tổng thể ngôi đình được làm bằng gỗ gụ quý. Để làm ra ngôi đình làng gần như giống tuyệt đối so với thực tế như vậy, điều đầu tiên ông Hùng cần làm là lên bản vẽ, kẻ diện tích khuôn viên ngôi đình, chia đúng theo tỷ lệ bản gốc. Nhiều cái phải trèo lên đo đạc cụ thể, vừa làm vừa quan sát trực tiếp. Mái đình sử dụng hơn 70.000 viên ngói nhỏ được ông Hùng cắt dập trong ba tháng. Vị trí và hình dáng của từng viên ngói, viên gạch đều được sắp xếp giống với thực tế.
Chi tiết ông Phan Lạc Hùng tâm đắc nhất chính là cánh cửa gỗ có thể dễ dàng đóng mở không khác gì ngoài đình thật. Những chi tiết nhỏ và cầu kỳ như vậy máy móc hiện đại không thực hiện được. Toàn bộ máy móc đều do ông Hùng tự tay chế tạo ra. Đối với ông Hùng, ở độ tuổi 67, thị lực ngày càng suy giảm, việc tạo ra các chi tiết nhỏ lại càng trở nên khó khăn hơn. Vào những ngày nắng nóng, ông Hùng không dám bật quạt, vì sợ bay mất các chi tiết nhỏ, chịu cảnh lưng áo ướt đẫm mồ hôi.
Để tăng thêm phần sống động cho ngôi đình, ông Phan Lạc Hùng dành rất nhiều thời gian để đi kiếm đủ nguyên liệu làm hai cây tùng, hai cây bàng, hai cây đại và hai cây ngọc lan. Tất cả đều phải phù hợp với kích thước nhỏ của ngôi đình do ông Hùng thực hiện. Để làm được điều đó cũng hết sức khó khăn.
Không chỉ dừng lại ở gỗ, một số chi tiết nhỏ khác như mặt trống đều được làm bằng da, một số thì được sơn son thiếp vàng cho giống với thực tế. Có người nửa đùa nửa thật, trả giá tiền tỷ cho ngôi đình làng Hữu Bằng do ông Hùng thực hiện, nhưng ông nhất định không bán. Với ông Hùng, đó là một kiệt tác. Ngôi đình làng của ông hiện đang được trưng bày trang trọng trong phòng thờ của gia đình. Dự định tại Hội sinh vật cảnh của địa phương vào năm tới, ông Hùng sẽ trưng bày tác phẩm của mình để người dân và những người yêu nghệ thuật cùng thưởng thức.
Ông Phan Lạc Hùng chia sẻ: “Làm ra ngôi đình này, lúc nào tôi cũng luôn cảm thấy hạnh phúc. Làm xong một chi tiết nhỏ hay làm xong cả ngôi đình này, và cả những lúc nhìn ngắm lại ngôi đình khi đã hoàn thiện, tôi đều cảm thấy rất vui. Tôi muốn lưu giữ nét đẹp của quê hương mình, của ngôi đình làng Hữu Bằng cho các thế hệ sau”.
Đối với ông Hùng, đình làng Hữu Bằng không chỉ đơn giản là mô hình, mà bằng việc tỉ mỉ tái hiện từng chi tiết nhỏ nhất, đã thực sự có hồn. Hiện tại, ông Hùng đang lên bản vẽ để dự định thực hiện chùa Một Cột thu nhỏ, dự kiến hoàn thành trong khoảng thời gian một năm tới đây.
Ý kiến ()