Độc đáo nét văn hóa truyền thống trong nghệ thuật chuyên nghiệp
–Không chỉ xuất hiện trên các sân khấu tại địa phương hay trong các hoạt động văn nghệ quần chúng, nhiều năm qua, những làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc, trang phục nguyên bản đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã được các nhạc sỹ, biên đạo của Trung tâm Văn hóa, Nghệ thuật (VHNT) tỉnh khéo léo đưa vào chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tiết mục múa sư tử mèo được biểu diễn trong chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội hoa đào Xuân Giáp Thìn năm 2024
Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội hoa đào Xuân Giáp Thìn năm 2024 được tổ chức tối 1/2 vừa qua có điểm nhấn đáng chú ý là các tiết mục nghệ thuật chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình nghệ thuật dài gần 60 phút, các làn điệu dân ca như sli, then được thể hiện một cách mới lạ trên sân khấu lớn; trang phục truyền thống các dân tộc Tày, Nùng, Dao… được ca sỹ, diễn viên sử dụng trong các phân đoạn của chương trình cùng màn múa sư tử mèo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong Nhân dân và du khách.
Chị Hoàng Kim Chi, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho biết: Tôi từng theo dõi nhiều chương trình nghệ thuật lớn song chương trình khai mạc Lễ hội hoa đào năm 2024 tại thành phố Lạng Sơn khiến tôi thực sự ấn tượng. Bên cạnh phần biểu diễn của các ca sỹ khách mời, các tiết mục đều mang đậm sắc màu riêng của các dân tộc Lạng Sơn, đặc biệt lần đầu tiên tôi được thưởng thức màn múa sư tử mèo rất độc đáo.
Không chỉ có chương trình trên, trong những năm qua, việc đưa chất liệu văn hóa dân gian truyền thống các dân tộc trong xây dựng các tiết mục, chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được Trung tâm VHNT tỉnh đặc biệt quan tâm. Ông Phùng Văn Muộn, Phó Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh cho biết: Chúng tôi thường xuyên khuyến khích các nhạc sỹ, biên đạo chủ động khai thác, sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ trong cộng đồng để xây dựng các tiết mục, chương trình mang màu sắc riêng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các nghệ nhân tổ chức tập huấn cho các ca sỹ, diễn viên trong đơn vị về trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Theo đó, ngay trong quá trình sáng tác, hòa âm, phối khí, dàn dựng, các nhạc sỹ, biên đạo luôn chú trọng lồng ghép những câu hát của làn điệu then, sli, lượn, páo dung… và sử dụng các nhạc cụ, đoạn tiết tấu, các điệu múa dân tộc đặc trưng vào tiết mục.
Nhạc sỹ Đinh Quang Trung, Trung tâm VHNT tỉnh cho biết: Hầu hết các tác phẩm do tôi viết nhạc đều là sự phát triển từ các làn điệu dân ca truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tôi mong muốn tạo nên màu sắc riêng, độc đáo, đặc trưng của nghệ thuật Lạng Sơn trong từng tác phẩm. Riêng trong năm 2023, tôi đã chỉnh lý, nâng cao, soạn mới được 6 tiết mục có sử dụng chất liệu văn hóa dân gian.
Trong năm 2023, Trung tâm VHNT tỉnh đã xây dựng 10 tiết mục mới và chỉnh lý, nâng cao 5 tiết mục. Trong đó, trên 80% các tiết mục đều có chất liệu dân gian, màu sắc dân tộc. Đồng thời biên tập, dàn dựng 25 chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục sử dụng chất liệu văn hóa dân gian phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và phục vụ cơ sở. Cùng đó, đơn vị còn tổ chức 120 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, sự kiện của tỉnh, các ngành, địa phương và vùng sâu, vùng xa (vượt 9% so với kế hoạch được giao).
Không chỉ tạo sự hấp dẫn trong các chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện, các tiết mục mang chất liệu dân tộc còn góp phần mang về những giải thưởng cho nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh. Anh Trương Xuân Tự, nhạc công Trung tâm VHNT tỉnh cho biết: Tôi là nhạc công thường xuyên sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Tháng 6/2023, tôi tham gia tiết mục hòa tấu “Hùng thiêng Xứ Lạng” tại cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, tiết mục sử dụng âm nhạc ngũ cung mang màu sắc dân ca Xứ Lạng với các nhạc cụ dân tộc như trống, thanh la, sáo trúc, kèn pí lè, đàn tính… Việc đưa chất liệu dân gian vào tiết mục đã tạo nên sự độc đáo mang nét riêng của vùng miền, nhờ đó tiết mục đã đoạt giải nhì tại cuộc thi.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, Trung tâm VHNT còn tham gia và đoạt huy chương bạc toàn đoàn tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ca khúc cách mạng năm 2023 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Có thể thấy, việc quan tâm sử dụng chất liệu dân gian mang đặc trưng riêng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã tạo nên các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp có chất lượng cao, song vẫn đảm bảo gần gũi, mộc mạc, phù hợp Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và quảng bá văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến bạn bè trong nước, quốc tế.
HOÀNG NHƯ
Ý kiến ()