Độc đáo mô hình tái sử dụng chai lọ giúp bảo vệ môi trường
Nằm trong con ngõ nhỏ tại quận Tây Hồ, có một cửa hàng đã giúp giảm thiểu hàng nghìn chai, lọ thải ra môi trường mỗi năm bằng cách tái sử dụng những chai, lọ đã qua sử dụng.
Hơn 37.000 lần tái sử dụng chai, lọ
Trung bình một ngày Refillables Ha Noi (địa chỉ tại 3C, ngách 12, ngõ 32, Tô Ngọc Vân) đón tiếp từ 10-20 lượt khách tới mua bán, ngày cao điểm nhất có thể ghi nhận lượt khách cao gấp đôi.
Điểm đặc biệt của địa chỉ này là khách hàng khi đến tiệm thay vì mang đồ về bằng túi nilon như những cửa hàng thông thường, thì sẽ tự mang chai, lọ đã qua sử dụng đến và chọn mua những thứ có thể đựng trong chính những chai, lọ tự mang theo. Những khách hàng không mang theo chai, lọ sẽ được nhận chai, lọ miễn phí tại cửa hàng sao cho kích thước phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Sau 2 năm, cửa hàng đã có 37.653 lượt khách tới mua sắm, đồng nghĩa với việc đã có hơn 37 nghìn chai, lọ được tái sử dụng hiệu quả thay vì bị xả thải ra các bãi tập kết rác.
Từ 2022 đến nay, chị Mai Ngọc Trâm, quản lý cửa hàng, đã dần quen mặt những khách hàng thường hay lui tới. “Khách hàng của Refillables Ha Noi có khoảng 70% là người nước ngoài, chủ yếu đến định cư ở Việt Nam hoặc nghỉ dưỡng trong vài năm. Gần đây, nhờ được lan tỏa trên các nền tảng mạng xã hội mà cửa hàng được biết đến nhiều hơn với khách hàng Việt Nam” - chị Trâm cho biết.
Đến với Refillables Ha Noi, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn đồ “làm đầy" (refill), từ gia vị, ngũ cốc, hoa quả sấy khô đến chất tẩy rửa làm từ thiên nhiên, nhu yếu phẩm,... Sau 2 năm hoạt động tại Hà Nội, các loại hạt khô hoặc ngũ cốc của cửa hàng như yến mạch, hướng dương, hạnh nhân… được nhiều người ưa chuộng nhất. Bên cạnh đó, gia vị cũng được bán khá nhiều.
Về nguồn cung ứng sản phẩm, Refillables Ha Noi có những nhà cung cấp lâu năm và đạt được sự tin tưởng cao. Ngoài ra, tiệm cũng làm việc cùng các nhà phân phối nhỏ lẻ chuyên sản xuất đồ thủ công từ thiên nhiên, chẳng hạn như: xà bông cục, bông ngoáy tai, bàn chải đánh răng. Sau nhiều năm hợp tác, cửa hàng hầu như chưa nhận phải phản hồi tiêu cực về chất lượng sản phẩm.
Góp phần hạn chế rác thải ra môi trường
Từ bỏ công việc giáo viên tiếng Anh để lựa chọn kinh doanh, ông Michael Hytinen nhớ về những ngày đầu khi ý tưởng xây dựng cửa hàng mới được thai nghén: “Thật ra ý tưởng này không phải do tôi tự nghĩ ra. Ở nước ngoài, mọi người đã khá quen thuộc với mô hình tái sử dụng chai lọ như thế này. Nhưng ý tưởng này chỉ thật sự nảy ra khi tôi bắt gặp mô hình tương tự của chị Alison vào khoảng thời gian đến Hội An. Tôi đã thực sự ấn tượng với mô hình này sau khi cùng Alison trò chuyện cả ngày về một cửa hàng như vậy tại Việt Nam. Khi ấy cửa hàng mới chỉ có 17 sản phẩm, là những đồ tẩy rửa không sử dụng chất hóa học”.
Quay trở về Hà Nội, ông Michael Hytinen đã bắt tay vào việc đưa ý tưởng xây dựng cửa hàng từ Hội An ra Hà Nội.
“Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề toàn cầu và tôi cảm thấy mình cần làm điều gì đó. Tôi nhận ra mình cần phải hành động, ít nhất là để giúp ích cho cộng đồng nơi tôi đang sống”, ông Michael cho hay.
Với mô hình tái sử dụng chai lọ này, người tiêu dùng chỉ cần trả tiền cho chính sản phẩm bên trong, vừa bảo đảm được chất lượng sử dụng, vừa không gây ra tác hại với môi trường bởi rác thải.
Theo ông Michael Hytinen, gia vị được bán ở Refillables Ha Noi có giá hợp lý hơn so với siêu thị do tiết kiệm được các chi phí đóng gói. Đối với các chất tẩy rửa, ông Michael Hytinen nhấn mạnh, thay vì sử dụng hương liệu tổng hợp thì xà phòng, bột giặt được bán tại Refillables Ha Noi sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như: bạc hà, hương hoa,...thân thiện hơn với môi trường và tốt hơn cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên, đối với các nhà kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, vấn đề chung thường gặp là cần vượt qua rào cản nhận thức của khách hàng về giá cả. Các sản phẩm hữu cơ thông thường sẽ có chi phí cao hơn do chủ yếu là sản phẩm thủ công và phải trải qua quy trình sản xuất phức tạp.
Chủ cửa hàng Refillables Ha Noi phải thừa nhận vẫn chưa có một giải pháp hoàn hảo để ổn định giá cả trong bối cảnh thị trường biến động:“Gần đây, giá cacao chúng tôi nhập về đã tăng khoảng 3 đến 4% do nguồn cung bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ tìm thêm những sản phẩm thay thế chiếm dụng ít không gian bảo quản song vẫn phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, so với thị trường nước ngoài, ông Michael Hytinen nhận thấy khách hàng Việt Nam đa phần có thu nhập trung bình, vì vậy, bảo đảm chi phí hợp lý cho người tiêu dùng nội địa vẫn là một vấn đề khó.
Một mặt cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng, mặt khác Refillables Ha Noi muốn hướng đến mục tiêu lớn hơn, là tạo ra thói quen tái sử dụng đồ nhựa và hạn chế rác thải ra môi trường.
“Về cơ bản, người tiêu dùng quan tâm đến đồ đựng trong chai, lọ hơn là bao bì của chúng. Trong khi thực tế, các nhà sản xuất lại thường đưa ra mức giá cao hơn so với chất lượng sản phẩm bởi bao bì, chai, lọ chứa đựng bên ngoài”, ông Michael Hytinen chỉ ra.
Dù có nhiều lợi thế cạnh tranh về mặt thân thiện với môi trường, song nhược điểm lớn nhất của hình thức bán hàng tái sử dụng là hạn chế về mở rộng công nghệ và khả năng ứng dụng thương mại điện tử.
Theo chị Trâm, người dùng tốt nhất vẫn nên tự mang chai, lọ đến để refill: “Nếu mở rộng cửa hàng ra các nền tảng số, người dùng sẽ gặp bất tiện khi di chuyển chai, lọ đến cửa hàng. Để khắc phục, cửa hàng chỉ có thể sử dụng chai, lọ có sẵn và vận chuyển cho khách hàng. Tuy nhiên điều này đi ngược lại với tôn chỉ tái sử dụng đồ đựng của Refillables Ha Noi”. Hơn hết, cửa hàng vẫn tập trung vào hình thức mua bán trực tiếp truyền thống, tạo cho người tiêu dùng thói quen sử dụng chai, lọ hiệu quả trong đời sống hằng ngày.
Ý kiến ()