Độc đáo lễ hội Pang Phoóng của đồng bào dân tộc Kháng ở Điện Biên
Pang Phoóng là lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng, thể hiện rõ ý niệm và quan điểm sống của cộng đồng dân tộc Kháng luôn có sự ràng buộc giữa hiện tại và quá khứ, với tiên tổ, cội nguồn.
Trong Danh mục 23 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, tỉnh Điện Biên có 1 di sản thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng là Lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của cộng đồng dân tộc Kháng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Cộng đồng dân tộc Kháng là một bộ phận của khối cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á cư trú lâu đời ở Tây Bắc.
Tại tỉnh Điện Biên, nơi có 19 cộng đồng dân tộc sinh sống, cộng đồng dân tộc Kháng tập trung chủ yếu sinh sống ở các xã Quảng Lâm, Nà Khoa (huyện Mường Nhé), các xã Na Sang, Pa Ham (huyện Mường Chà), các xã Ta Ma, Rạng Đông, Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) với hơn 4.200 người của hơn 800 hộ, thuộc các họ như: Lò, Lường, Quàng, Vì, Cà…
Trong tiến trình lịch sử, sự ảnh hưởng, giao thoa văn hóa của các dân tộc khác đối với cộng đồng dân tộc Kháng rất ít xảy ra.
Đến nay, cộng đồng dân tộc Kháng ở xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo) nói riêng và trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung vẫn gìn giữ được nhiều nghi lễ truyền thống, như: Xên bản, Xên Pang ả, Lễ hội Pang Phoóng…
Đặc biệt, Pang Phoóng là lễ hội mang đậm sắc thái văn hóa của cộng đồng, thể hiện rõ ý niệm và quan điểm sống của cộng đồng dân tộc Kháng luôn có sự ràng buộc giữa hiện tại và quá khứ, với tiên tổ, cội nguồn.
Lễ hội Pang Phoóng bắt nguồn từ sự tích xa xưa còn lưu truyền về chuyện tình dang dở giữa một chàng trai con của Tạo bản người Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khul với một nàng vượn hóa thân thành cô gái.
Lễ hội Pang Phoóng được tổ chức 3 hoặc 4 năm một lần, thường diễn ra trong thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, khi hoa mào gà nở đỏ trên nương, lúc này bà con dân bản vừa kết thúc vụ mùa.
Trong tâm thức của cộng đồng dân tộc Kháng, ngày được chọn để tổ chức lễ hội không trùng với ngày mất của bố, mẹ, ông bà và là ngày có ánh trăng sáng. Vì khi làm lễ xong dân bản sẽ tiến hành chơi hội, hội chơi sẽ vui hơn khi có ánh trăng.
Do dòng họ đứng ra tổ chức nên các nghi lễ, tiến trình của Lễ hội Pang Phoóng được thực hiện tại gia đình trưởng họ với sự tham gia đóng góp của các gia đình trong dòng họ.
Thầy Mo, thường là trưởng dòng họ, người am hiểu về nguồn gốc và lịch sử của dòng họ sẽ chủ trì thực hiện phần nghi lễ.
Những lễ vật được sử dụng trong các nghi lễ của lễ Pang Phoóng gồm: Lá sung rừng (mắc chát), mía (mía phan), hoa mào gà (bảnh cảng hoong só), cành sung rừng (mắc chắc), ống nứa (bẳng om xe pang), bát hương (chỏ khưởng), bó rơm (piếng), chum rượu cần (hay kha xả), lợn (ẹc), gà (diên), cá (ca), chúm chọe (le xẻng), trống (le củng), cơm nếp (mả dum), cơm cốm (mả giủn), chậu nước (ảng om), sừng trâu (coi khạ), một số vật dụng sinh hoạt thường ngày khác.
Đặc biệt, theo quan niệm của dòng họ Lò Khun, vì tổ tiên của dòng họ là “mẹ Vượn” nên không thể thiếu các loại rau, củ, quả như: khoai lang (quai hók), đu đủ (pe hoỏng), bí đỏ (pe ử), khoai sọ (quai kho), chuối (tỷ), hoa chuối (le đửa), bắp ngô (nung lý)…
Ngay từ sáng sớm của ngày đã được lựa chọn, gia đình chủ lễ đồ xôi, mổ lợn, gà, cá… chuẩn bị chu đáo sắp xếp lên gian thờ tổ tiên.
Trước khi cúng, thầy cúng mở một tấm ván trong gian thờ để mời tổ tiên đến nhà và gõ 3 hồi chiêng với ý nghĩa khấn mời tổ tiên về thụ lễ và phù hộ cho con cháu trong gia đình, dòng họ được mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
Tiếp đó, người trong dòng họ lần lượt vào gian thờ lấy vật có hình chữ A (có tên gọi “Peng nhả khạ”) làm từ dây lạt để vẩy rượu mời tổ tiên.
Kết thúc nghi lễ vẩy rượu thì người nhà đem các con vật hiến tế như lợn, gà vào vị trí đặt mâm cúng để thầy cúng tiến hành nghi thức xin phép tổ tiên dòng họ cho phép con cháu được dâng các con vật hiến tế và giết mổ, đưa đi chế biến để bày lên mâm cúng, khấn mời tổ tiên.
Sau khi kết thúc các nghi lễ ở mâm cúng tổ tiên, thầy cúng sẽ xuống dưới sân nhà cúng thổ địa với ý nghĩa cầu xin thổ địa phù hộ cho gia đình cùng dân bản mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mùa màng tốt tươi.
Mâm lễ cúng thổ địa có một con gà, nửa con cá, nửa củ khoai lang, một nắm xôi cốm và xôi cẩm, một ít bí đỏ, một chai rượu và hai cái chén.
Khi khấn vái thổ địa xong, thầy cúng gõ chiêng báo hiệu thổ địa đã cho phép dòng họ được tổ chức lễ hội.
Hoàn tất các nghi thức cúng tổ tiên và thổ địa, gia chủ làm nghi lễ khai tiệc, mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần, ăn cơm trong sự ấm cúng, vui vẻ.
Lúc này là dịp mọi người trong dòng họ tâm sự, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp, sẻ chia kinh nghiệm phát triển kinh tế…
Nếu Pang Phoóng nghiêm trang trong phần lễ thì lại rất phóng khoáng, vui vẻ xum vầy trong phần hội. Phần hội được tổ chức ngay trong nhà của trưởng họ.
Để khai hội, các cụ lớn tuổi trong dòng họ sẽ gõ tiếng chiêng và tiếng chum chọe đầu tiên. Sau khi âm thanh của các loại nhạc cụ này vang lên, người trong dòng họ quây quần thành vòng tròn giữa sàn nhà cùng vui điệu múa tăng bu (“Xépang”).
Từ già đến trẻ, mỗi người cầm theo một ống tre dài hơn 1 mét cùng di chuyển theo vòng tròn, vừa gõ nhịp xuống sàn nhà, hòa mình trong điệu múa mô phỏng cách điệu hình thức chọc lỗ tra hạt trên nương.
Trong phần hội, cộng đồng dân tộc Kháng cũng thi thố, trình diễn những điệu múa, diễn xướng đối đáp mang đậm nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân tộc, như: Hát đối (khắp tọp), hát giao duyên (khắp báo sao), múa tầm đao (tỏi điểng), múa sạp (xék loỏng)… Cùng đó là tổ chức các trò chơi mang tính gắn kết cộng đồng, như: kéo co (chặc cáng), ném còn (tọt cón), đẩy gậy (xu điêng), bắn nỏ (bén nak), đánh cù (tók sáng)…
Pang Phoóng là lễ hội phản ánh một hiện thực trong đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng: lấy cội nguồn tiên tổ làm nền tảng để rèn dưỡng tâm, đức và nguyện cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho dòng họ vạn sự may mắn.
Cho đến nay, lễ hội Pang Phoóng vẫn giữ được bản sắc riêng, luôn hiện hữu trong đời sống cộng đồng dân tộc Kháng, có tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây đắp nên sự gắn kết cộng đồng, bảo tồn những nền tảng, tinh hoa văn hóa của cộng đồng dân tộc./.
Ý kiến ()