Độc đáo lễ giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng
LSO-Đầu năm mới, nhiều gia đình người dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh thường mời then, tào… (gọi chung là thầy) về nhà hoặc đến nhà thầy làm lễ giải hạn với mong muốn giảm bớt những rủi ro, vận hạn, bệnh tật…, cầu tài lộc và bình an cho cả năm.
Thầy tào làm lễ cúng giải hạn đầu năm |
Lễ giải hạn đầu năm là một phong tục, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian độc đáo của bà con dân tộc Tày, Nùng đã tồn tại từ lâu đời và còn được lưu giữ, bảo tồn cho đến tận ngày nay.
Những ngày đầu năm Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp đến một số gia đình làm lễ giải hạn để “mục sở thị” những nghi lễ giải hạn. Ông La Văn Đảo, thôn Phai Xả, xã Chu Túc, huyện Văn Quan vừa mời thầy về làm lễ giải hạn đầu năm cho biết: Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi đều mời thầy về làm lễ cúng giải hạn đầu năm nhằm xua đuổi đi cái xấu, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi.
Qua trao đổi với ông Đảo, được biết muốn làm lễ giải hạn, việc đầu tiên là phải tìm gặp thầy then (mè then), tào (lạo slay) để xem ngày lành, sau đó tiến hành chuẩn bị lễ vật và đi đón thầy về nhà làm lễ. Các đồ lễ để cúng tùy theo mỗi thầy có những yêu cầu riêng và điều kiện của từng gia đình khi sắm lễ. Nhưng các đồ lễ cơ bản để cúng giải hạn có 3 con gà, bánh kẹo, có thể có thêm 1 chiếc thủ lợn. Mâm lễ để thầy cúng giải hạn được đặt ở giữa nhà, dưới bàn thờ tổ tiên và gồm có 3 mâm: mâm thánh, mâm cụ tổ gia tiên, mâm hung tin quan hạn. Mỗi mâm có 1 bát gạo sống đặt ở giữa, cắm hương và nhiều hình nhân cắt bằng giấy; 1 con gà luộc chín có đủ lòng, mề, tim, gan, tiết; hoa quả, bánh kẹo. Ngoài ra tôi còn chuẩn bị thêm 1 con gà sống.
Thầy được mời làm lễ giải hạn là những người có khả năng thần giao cách cảm, có thể giao tiếp với thế giới tâm linh. Họ thường được các gia đình mời đến để làm lễ giải hạn, mừng nhà mới, cầu phúc lộc, thọ…
Theo ông Nông Văn Chiến, thầy tào ở huyện Văn Quan: Những ngày đầu năm mới, nhiều gia đình người Tày, Nùng ở trong huyện và các huyện lân cận đều mời tôi đến nhà làm lễ cúng giải hạn với mong muốn trong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi. Một lễ giải hạn tùy thuộc vào cách cúng lễ của từng thầy và ý nguyện của gia chủ mà có các bước tiến hành nghi lễ khác nhau. Nhưng trong một lễ giải hạn, các nghi lễ chung nhất thường gồm các bước: gia chủ làm lễ dâng hương; thầy phũng trà (rót một lượt nước chè ở các mâm); tâu sớ (bước vào với tổ tiên để báo lên tổ tiên và mời tổ tiên về để con cháu trong gia đình được dâng lễ vật); mời thánh phán (thầy dùng hai thẻ gỗ để xin quẻ), sau đó làm lễ sát gà (giết gà); làm lễ cúng (diệt trừ tà ma, quét sạch những vận xui, rủi ro, cầu bình an, tài lộc).
Trong lễ cúng giải hạn, nếu giải hạn là thầy then thì vật dụng thầy dùng là cây đàn tính, còn với thầy tào thì có chiếc chuông xóc nhạc; bên cạnh những vật dụng đó, thầy sẽ dùng lời then, điệu hát cổ bằng tiếng dân tộc, đồng thời dùng hai thẻ gỗ để gieo quẻ, xin lộc cho gia chủ. “Nếu gia chủ thành tâm và âm phần trong nhà tốt thì việc xin quẻ sẽ diễn ra thuận lợi, lễ cúng giải hạn cũng diễn ra suôn sẻ và kết thúc tốt đẹp” – Thầy Chiến cho biết thêm.
Lễ cúng giải hạn đầu năm của người Tày, Nùng vừa đặc sắc về hình thức lại vừa chứa đựng những giá trị cổ truyền. Với một lòng tin thuần phác, người dân tộc Tày, Nùng làm lễ giải hạn nhằm cầu mong một cuộc sống an lành, sung túc. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lễ cúng giải hạn là việc làm cần thiết, cần sự quan tâm của các cấp, ngành và mọi người dân để loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian này tiếp tục phát huy, giữ nguyên được những giá trị ban đầu.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()