Độc đáo lễ cưới người Dao đỏ ở Tràng Định
– Những năm gần đây, bà con người Dao Đỏ trên địa bàn huyện Tràng Định vẫn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó, có đám cưới với những nghi lễ độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lạng Sơn có 4 nhóm Dao chính: Thanh Y, Lù Gang, Lù Đạng và Dao Đỏ. Trong đó, người Dao Đỏ phân bố chủ yếu ở huyện Tràng Định. Bà Lục Thị Phương, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tràng Định cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có hơn 1.000 người Dao Đỏ sinh sống tại một số xã: Vĩnh Tiến, Tri Phương, Tân Yên, Khánh Long, Kim Đồng, Đoàn Kết, Chí Minh, Cao Minh… Người Dao Đỏ vẫn còn lưu giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có lễ cưới truyền thống. Để phát huy bản sắc văn hóa nói chung, lễ cưới nói riêng của người Dao Đỏ, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã có đồng bào Dao Đỏ sinh sống đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích bà con bảo tồn các phong tục, tập quán văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng đánh giá kiểm kê các di sản văn hóa mà người Dao Đỏ đang nắm giữ để từ đó đề xuất các phương án bảo tồn phù hợp.
Cô dâu, chú rể là người dân tộc Dao Đỏ ở Tràng Định trong trang phục ngày cưới
Nhờ có sự quan tâm của các đơn vị có liên quan, đến nay, những phong tục, tập quán tốt đẹp, trong đó có lễ cưới truyền thống của người Dao vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Ông Nông Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Xã có 9 thôn, trong đó, thôn Lũng Slàng có 37 hộ với 188 nhân khẩu đều là người dân tộc Dao Đỏ. Hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào Dao gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.
Không riêng Tri Phương, tại các xã khác ở Tràng Định thì những nét đẹp trong đám cưới truyền thống của người Dao Đỏ vẫn tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Ông Triệu Văn Mống, 58 tuổi, thôn Khuổi Bây B, xã Khánh Long cho biết: Tập quán cưới hỏi của dân tộc Dao Đỏ chúng tôi đã có từ lâu đời và ngày nay vẫn được duy trì. Tuy nhiên, để thực hiện nếp sống văn minh, các đám cưới hiện đã rút ngắn từ 3 đến 4 ngày xuống chỉ còn 1 đến 2 ngày. Tục thách cưới bằng bạc nén cùng trên 100 kg lợn, gà làm cỗ linh đình không còn tồn tại như trước. Đặc biệt, để phòng, chống dịch COVID-19, đám cưới đã giảm bớt những bước rườm rà và số lượng khách mời…
Tham dự đám cưới của chú rể Triệu Quang Lợi (25 tuổi) và cô dâu Triệu Thị Thanh Lan (25 tuổi), xã Tri Phương ngày 11/2/2022, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn nét đẹp trong đám cưới của bà con nơi đây. Trong ngày trọng đại, cô dâu chú rể đều mặc trang phục truyền thống. Trang phục của cô dâu có áo, váy, khăn quấn đầu, dây lưng đều được thêu hoa văn nổi bật màu đỏ. Điểm nhấn của bộ trang phục là chiếc mũ đội đầu tròn lớn với nhiều tua và chuỗi bông len màu đỏ 2 bên ngực áo. Chiếc mũ của cô dâu người Dao Đỏ hoàn toàn khác với mũ hình “mái nhà” của người Dao Lù Gang và mũ đội đầu hình “cái sừng tròn” của người Dao Lù Đạng. Đặc biệt, trong các nhánh Dao, thì trang phục của chú rể người Dao Đỏ là đơn giản nhất với áo, quần ống rộng, mũ nồi có màu chàm là chủ đạo.
Về các nghi thức trong đám cưới của người Dao Đỏ cơ bản cũng giống với người Dao Lù Gang, Lù Đạng như: chú rể sẽ không đến đón cô dâu, mà đại diện họ nhà gái sẽ đưa cô dâu đến tận nhà chú rể. Trên đường đi đến nhà trai, cô dâu thường phải che mặt. Tuy nhiên, một tập tục khác chỉ có ở nhóm Dao Đỏ là trong sính lễ nhà trai mang sang nhà gái trước đó, ngoài tiền, rượu, xôi, gà… còn có 4 phong vải chàm (mỗi phong vải dài khoảng 1,5 m). Theo thầy mo Lý Văn Dâm, thôn Khuổi Sluồn, xã Vĩnh Tiến, thì vải chàm trong sính lễ tượng trưng cho lòng biết ơn sự dưỡng dục của cha mẹ cô dâu, tấm vải như sự cam kết của gia đình nhà chú rể, sẽ tiếp tục chăm sóc, bảo vệ cho con gái của họ khi về nhà chồng. Ngoài ra, các nghi thức được thầy mo thực hiện trong lễ cưới chính của người Dao Đỏ ngày nay đã rút ngắn từ 6 còn 3 nghi thức chính gồm: lễ báo cáo gia tiên, lễ ghép rượu thành vợ chồng và lễ nhập hộ khẩu.
Chị Triệu Thị Thanh Lan, xã Tri Phương cho biết: Là một phụ nữ dân tộc Dao Đỏ, tôi rất tự hào vì đám cưới được tổ chức theo phong tục truyền thống. Hơn nữa, tôi cũng rất mừng là một số hủ tục lạc hậu trong đám cưới đã không còn, giúp 2 họ và vợ chồng tôi đều bớt tốn kém mà đám cưới vẫn diễn ra trang trọng, vui tươi.
Có thể thấy, đám cưới của người Dao Đỏ ở Tràng Định chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử và giáo dục. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng của Nhân dân, tin rằng những nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Dao Đỏ sẽ tiếp tục được gìn giữ, phát huy, góp phần làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá của Xứ Lạng.
Ý kiến ()