Độc đáo lạp sườn hun khói mía Thất Khê
– Lạp sườn hun khói mía là một món ăn độc đáo của người dân tộc Tày, Nùng ở thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Từ những nguyên liệu như thịt lợn, lòng non, mía, gừng núi đá… qua đôi bàn tay khéo léo của người dân đã tạo nên một món ăn mang hương vị rất riêng của ẩm thực Xứ Lạng.
Những ngày cuối tháng 3/2023, chúng tôi có dịp đến thăm cơ sở kinh doanh Vịt quay Thu Hằng, khu 2, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Đinh. Đây là cơ sở làm lạp sườn hun khói mía lâu năm, có tiếng tại địa phương. Trong lúc chuẩn bị các nguyên liệu, bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở cho biết: Lạp sườn hun khói mía là một món ăn độc đáo, đã có từ lâu đời tại thị trấn Thất Khê và được nhiều người ưa thích. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách làm lạp sườn hun khói mía truyền thống của địa phương. Chính vì vậy, bên cạnh sản phẩm vịt quay, tôi đã làm thêm lạp sườn hun khói mía để bán. Tính đến nay, cơ sở của tôi đã kinh doanh sản phẩm lạp sườn hun khói mía được 15 năm. Trung bình mỗi ngày, cơ sở của tôi bán ra hơn 20 kg lạp sườn, với giá bán 180.000 đồng/kg, đem lại thu nhập trên 3,6 triệu đồng.
Quy trình làm lạp sườn hun khói mía
Lạp sườn hun khói mía là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như thịt lợn, lòng non và một số loại gia vị như hạt tiêu, mật ong, gừng núi đá… Để có được những chiếc lạp sườn thơm ngon phải mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn chế biến cầu kỳ. Trong đó, việc lựa chọn và sơ chế nguyên liệu đóng vai trò quyết định đến hương vị, chất lượng của sản phẩm.
Theo đó, thịt lợn dùng để làm lạp sườn phải là loại thịt tươi ngon, chắc thịt, có lượng mỡ vừa phải. Sau khi lựa chọn được thịt sẽ mang đi rửa sạch, để ráo nước. Tiếp đó, thịt lợn được chia thành từng khúc vừa phải và cho vào máy thái chuyên dụng để thái nhỏ. Còn đối với lòng để làm vỏ lạp sườn phải là loại lòng non, tươi mới và được bóp với muối, trải qua nhiều bước làm sạch để đảm bảo lòng không có mùi hôi, giữ được độ dai. Trước khi chế biến, thịt lợn và lòng non phải được rửa sạch, để ráo nước, nếu không lạp sườn sẽ rất khó bảo quản và không đảm bảo được chất lượng.
Để làm ra được những chiếc lạp sườn thơm ngon chắc chắn không thể thiếu gia vị. Các loại gia vị chính bao gồm: muối, hạt nêm, mật ong, hạt tiêu và quan trọng nhất là gừng núi đá. Đây cũng chính là điểm khiến lạp sườn hun khói mía Thất Khê đem đến cho thực khách mùi vị khác biệt so với lạp sườn hun khói mía ở những tỉnh, thành khác.
Sau khi đã hoàn thành các bước sơ chế, người làm sẽ trộn thịt lợn đã thái nhỏ với các loại gia vị và để tẩm ướp từ 1 đến 2 giờ. Khi thịt lợn đã ngấm đều gia vị, người chế biến sẽ tiến hành công đoạn nhồi lạp sườn. Khi tiến hành nhồi lạp sườn, người làm cần cố định phần đầu của lòng non và dùng tăm để tạo thành các lỗ thông hơi trên lạp sườn. Việc này không chỉ giúp lạp sườn thoát được khí ra ngoài, phần thịt được nhồi đầy đặn hơn mà còn giúp cho lạp sườn không bị nứt trong quá trình hun khói.
Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ cơ sở Vịt quay Thu Hằng, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định tiến hành công đoạn cho lạp sườn vào lò để hun khói
Khác với lạp sườn thông thường, lạp sườn hun khói mía được chia thành nhiều giai đoạn hun. Đầu tiên, lạp sườn sẽ được cho vào lò, hun khói của than sạch trong 10 giờ đồng hồ. Tiếp đó, lạp sườn được mang ra ngoài, hong lạnh với quạt thêm 10 giờ đồng hồ nữa. Bước tiếp theo là đem lạp sườn hun với khói mía. Lạp sườn Thất Khê không dùng bã mía để hun như những địa phương khác mà dùng cây mía để đốt cùng với than sạch. Việc dùng cây mía để đốt sẽ giúp lạp sườn có được hương thơm và vị ngọt của mật mía. Sau khi hun với khói mía khoảng 30 phút, lạp sườn tiếp tục được hong lạnh thêm 1 ngày nữa trước khi cho vào tủ lạnh để bảo quản.
Lạp sườn hun khói mía thành phẩm sẽ có màu nâu vàng óng bắt mắt và có thể chế biến theo nhiều cách như: nướng, hấp, chiên… Với vị bùi béo của thịt, vị ngọt của mật mía và hương thơm đặc trưng của gừng núi đá, sản phẩm đã chinh phục khẩu vị của nhiều khách hàng. Theo đó, không chỉ người Xứ Lạng mà rất nhiều khách hàng ngoài tỉnh như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng rất yêu thích và đặt mua loại lạp sườn độc đáo này.
Chị Hoàng Thị Lan, huyện Thanh Oai, Hà Nội cho biết: Đầu năm 2022, khi đến Lạng Sơn du lịch, tôi đã có cơ hội được thưởng thức lạp sườn hun khói mía Thất Khê. Tôi rất ấn tượng với hương thơm đặc trưng của gừng núi đá và vị ngọt thơm của lạp sườn hun khói mía. Vì vậy, mỗi lần có dịp đến Lạng Sơn, tôi đều tìm mua về để thưởng thức, gia đình tôi ai nấy đều rất thích món ăn này.
Ông Vương Văn Công, Chủ tịch UBND thị trấn Thất Khê cho biết: Lạp sườn hun khói mía là một món ăn đặc sắc của thị trấn Thất Khê và thường được người dân làm vào các dịp lễ, tết. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, trên địa bàn thị trấn đã có 16 hộ kinh doanh lạp sườn hun khói mía. Để phát triển sản phẩm, thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền các hộ thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chính quyền thị trấn sẽ tiến hành khảo sát, lựa chọn và hướng dẫn các cơ sở làm lạp sườn hun khói mía chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP. Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Lạp sườn hun khói mía Thất Khê là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều loại nguyên liệu, đồng thời, thể hiện được sự phong phú, đa dạng của ẩm thực Xứ Lạng. Tin tưởng rằng, với hương vị độc đáo, mang nét đặc trưng riêng có, món ăn này sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách khi có dịp đến với Lạng Sơn.
Ý kiến ()